“Thầy ơi, làm sao để bước ra thế giới; Làm thế nào để em theo đuổi được đam mê; Học lực trung bình em có thành công được không?”; Nghề gì sẽ biến mất, nghề gì sẽ ra đời sau 20 năm nữa; Các môn khoa học xã hội có cần thiết trong thời kỳ 4.0 không?… là những câu hỏi luôn được các em học sinh, sinh viên vây quanh thầy sau mỗi buổi diễn thuyết để được thầy giải đáp một cách thực tế và sâu sắc nhất. Bởi hiếm có một buổi diễn thuyết nào mà có thể khiến cho cả hội trường im phăng phắc đến những trận cười sảng khoái, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, nghẹn lời vì được thổi lên ngọn lửa của đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ. Và thầy đã làm được điều đó – người thầy dành trọn tâm huyết để thổi lửa, truyền cảm hứng học tập và tình yêu Tổ quốc – diễn giả, doanh nhân Nguyễn Mai Lâm.
Một lộ trình được thầy định hướng cho các bạn học sinh, sinh viên thông qua các chủ đề gần gũi và thực tế được thầy lồng ghép khéo léo, kết hợp giữa tri thức và những câu chuyện, thước phim được ghi lại từ hành trình thầy đã đi qua, không mang nặng giáo điều nhưng vẫn chạm đến trái tim của người nghe, hơn hết là tạo động lực cho các bạn học sinh, sinh viên trên cả nước xác định được mục tiêu, động lực, khát vọng và định hướng đúng đắn và tích cực để phát triển trong học tập và cuộc sống.
Với các em học sinh, sinh viên không gì là quan trọng hơn cảm hứng trong học tập. Xác định được mục tiêu học để làm gì, học như thế nào nếu học lực của các em chỉ ở mức trung bình, bởi thầy là một người đi lên từ học lực yếu, đi qua một hành trình dài thay đổi bản thân để thay đổi số phận, nắm bắt được những sai lầm khi học tập và định hướng nghề nghiệp, bởi khi không xác định được mục tiêu học tập, các em rất dễ nản chí, bỏ cuộc… để rồi thiếu đi mục tiêu, cảm hứng học tập.
Nuôi dưỡng cảm xúc, tình yêu thương đối với gia đình, bạn bè xung quanh, hướng tới tình yêu Tổ quốc nhưng vẫn không quên phát triển để trở thành một người hội nhập được với toàn cầu. Với thầy làm thế nào để công dân toàn cầu không chỉ còn là khẩu hiệu, các nước khác có thể trở thành tình nguyện viên quốc tế còn Việt Nam chúng ta thì tại sao lại không? Câu nói được các bạn học sinh yêu mến là “Tại sao phải làm thuê cho nước ngoài mà không phải là người nước ngoài làm thuê cho mình”. Bản thân thầy là tấm gương cho học trò khi hiện nay ngoài việc thầy đang là Phó Hiệu trưởng một trường Anh ngữ tại Cebu, Philippines, thầy còn là một tình nguyện viên quốc tế.
Bước vào thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0, cần chuẩn bị hành trang gì để không bị đào thải mà phải thích nghi được với thời kỳ mới, bởi người tài giỏi không hẳn là người giỏi chuyên môn mà có thể thay đổi và thích nghi với xu thế của thời cuộc. Đây cũng là một trong những chủ đề được nhiều sinh viên yêu mến.
Với các bạn sinh viên sắp ra trường, chọn tự khởi nghiệp hay chọn công việc ổn định chắc hẳn là điều không chỉ các bạn sinh viên mà phụ huynh cũng rất quan tâm, bởi đây là giai đoạn có tác động không nhỏ đến hành trang của các bạn trong tương lai. Vậy nếu chọn khởi nghiệp thì nên làm như thế nào để tránh việc chỉ “khởi nghiệp bằng mắt”, còn nếu chọn công việc ổn định thì cần chuẩn bị hành trang như thế nào để hội nhập và phát triển. Tất cả vướng mắc này đều sẽ được giải đáp trong chủ đề “khát vọng khởi nghiệp” và “doanh nghiệp cần gì ở sinh viên”! Thầy còn được biết là một giám khảo cho các cuộc thi về khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT; Tập đoàn Trung Nguyên phát động. Và cũng là giám khảo quen thuộc của Én Vàng học đường – cuộc thi của Đài Truyền hình dành cho các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.
Với thầy, dù làm gì đi nữa, thầy cũng không quên nguyên lý đã giúp thầy thay đổi số phận từ một cậu học trò học lực trung bình và ở tỉnh lẻ lên thành phố. Đó chính là – Nguyên lý 300 – “Thiên hạ thông minh học 10 nhớ 7, tôi nhà nghèo, học yếu nên chỉ học 10 nhớ 3, vì vậy tôi phải học 30 nhớ 9, tức là tôi phải học bằng 300% so với người khác”. Bên cạnh đó, học trò rất yêu thích châm ngôn sống và học tập của thầy sau mỗi bài diễn thuyết đó là hãy “Học thật – Sống tử tế”.
Dù là học sinh, sinh viên, dù ở giai đoạn nào thì ngoại ngữ là người bạn đồng hành không thể thiếu. Từ một người mất gốc đến chinh phục được tiếng Anh, thầy đã viết lại hành trình của mình để truyền cảm hứng “vượt qua nỗi sợ tiếng Anh” và xác định được phương pháp học tiếng Anh hiệu quả. Với thầy hiệu quả là khi chúng ta hiểu được nó, dùng được nó và ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, cũng chính vì lẽ đó mà mỗi năm thầy đã giúp hàng ngàn học sinh sinh viên xóa bỏ đi những sai lầm và vận dụng được phương pháp học đúng đắn. Riêng trong năm 2020 thầy đã tặng hơn 2.000 suất học bổng xóa mất gốc tiếng Anh qua app cho các Tỉnh đoàn: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Hải Phòng, Bình Định và nhiều trường CĐ, ĐH trên cả nước. Thầy nhắn nhủ “Đừng coi tiếng Anh là một môn học, hãy coi đó là công cụ để làm việc, là điều đương nhiên phải biết, là cái đầu tiên của những cái đầu tiên khi sau này các bạn ra trường và đi làm”, “bí kíp” được thầy dành cho các bạn học yếu đó là “Đừng run sợ tiếng Anh, nếu bạn học yếu hay chỉ có ngữ pháp mà chưa dùng được thì cùng lắm là làm lại từ đầu với nó”.
Một số chủ đề được các bạn trẻ yêu mến như: + Tổ quốc gọi tên mình + Xác định mục tiêu và tạo động lực học tập cho học sinh, sinh viên + Phương pháp học tập đại học + Khát vọng trở thành công dân toàn cầu + Định vị bản thân + Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những ảnh hưởng của nó đến nguồn nhân lực trong tương lai + Vượt qua nỗi sợ hãi trong tiếng Anh + Phương pháp học tập đại học hiệu quả + Kỹ năng và khát vọng khởi nghiệp trong thời kỳ 4.0. |
Những bước chân của thầy vẫn chưa bao giờ mỏi, chỉ cần nơi nào có nguyện vọng, dù là xa xôi thầy vẫn đến để truyền cảm hứng cho các em, có trường trả kinh phí báo cáo cho thầy rất cao nhưng cũng có những trường ở nhiều tỉnh mời thầy về báo cáo không những miễn phí mà thầy còn phải tự lo ăn ở, đi lại, khách sạn… Thầy nói, “nhìn những giọt nước mắt của học trò, những khi các em đặt tay lên ngực hướng về Tổ quốc và nhất là ánh mắt háo hức niềm tin vào việc học tập, sự quyết tâm để thay đổi số phận của những học trò nghèo, học lực trung bình như mình ngày xưa đã là “kinh phí” lớn nhất của thầy nhận được sau mỗi chuyến đi rồi!”.
Như Thuận
Bình luận (0)