Cô Mai Thị Mỹ Hạnh đang hướng dẫn học sinh lớp 9/2 Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) làm hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 năm 2012. Ảnh: Anh Khôi |
Bất lực tâm lý ở giới trẻ tăng nhanh Xu hướng bất lực tâm lý trong giới trẻ hiện nay đang tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Ai cũng biết, điều này trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên trong 3 nhóm chủ thể này thì đều có những “khoảng trống” nhất định.
1. Đối với gia đình, những kiến thức cũng như kỹ năng của phụ huynh còn thiếu hụt trầm trọng, một phần thiếu hiểu biết về tâm sinh lý, một phần lại yếu về kỹ năng dạy con cách hành xử, nhất là khi trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên. Khi cha mẹ không đáp ứng được những nhu cầu của trẻ, tất nhiên các em sẽ tìm cách để tự giải phóng cho mình. Có thể cha mẹ cấm đoán, hoặc “thả nổi quản lý” đều dẫn đến những tích tụ lâu ngày. Cấm đoán thì đương nhiên trẻ sẽ không được thỏa mãn, bị dồn nén. Còn buông thả thì trẻ rơi vào tình trạng tự do, tùy tiện, liều lĩnh. Cả hai trạng thái này khi có điều kiện là các em sẵn sàng “vượt rào” bằng mọi giá mà thực hiện các hành vi bất chấp nguy hiểm, thậm chí là man rợ như giết người, cướp của.
2. Ở nhà trường, bạo lực lại tiếp tục gia tăng. Hiện nay còn nhiều trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu về tư vấn tâm lý học đường. Nhiều học sinh vi phạm kỷ luật, nạn bạo lực ngày càng nguy hiểm. Những biện pháp mang tính lý thuyết trầm kha như văn bản chỉ thị, nhắc nhở các trường tăng cường hơn nữa các biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường, đuổi học sinh theo các khung thời gian quy định khác nhau… dường như gây cho học sinh một tâm lý “nhờn thuốc”. Chúng ta đều biết học sinh ở tuổi vị thành niên có những biến đổi phức tạp về mặt tâm sinh lý. Đồng thời, các em không có những hiểu biết và kinh nghiệm để xử lý các tình huống phức tạp xảy ra hàng ngày trong cuộc sống. Các trung tâm tư vấn tâm lý hiện còn thiếu về số lượng cũng như hoạt động chưa thực sự hiệu quả và rộng khắp. Không ít thanh thiếu niên cần được hỗ trợ nhưng bản thân các em lại chưa ý thức được sự cần thiết, hoặc là e ngại, hoặc không được hướng dẫn, tuyên truyền, hoặc không tin tưởng vào hiệu quả. Trên thực tế, hiện nay một số trung tâm uy tín lại thuộc về các bệnh viện chứ không phải là những nơi công cộng hoạt động chuyên nghiệp.
3. Cha mẹ cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải tỏa bức xúc cho con trẻ. Tuy nhiên, không phải đơn giản là những buổi tập huấn kỹ năng dành cho phụ huynh ở thành thị mà kể cả nông thôn cũng cần được triển khai rộng rãi. Có thể tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt với những đội ngũ nhà tư vấn chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, các bậc phụ huynh nắm vững và biết cách giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các bậc cha mẹ phải thực sự là những người hiểu con cái nhất, biết các em muốn gì, khó khăn đến đâu, nhất là những dục vọng thấp hèn mà trẻ bị cám dỗ vì lòng tham, ích kỷ. Đừng để những bế tắc biến thành các hành động tiêu cực.
4. “Căng thẳng dẫn đến áp lực và hành vi nguy hiểm” có thể giải tỏa nếu các em được tư vấn đầy đủ và khoa học từ phía nhà trường. Học sinh cũng là độ tuổi chưa biết đầy đủ cách ứng xử, đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội nên rất cần sự hỗ trợ từ phía các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Đó có thể là giáo viên tư vấn tâm lý ở nhà trường hoặc là chuyên gia tâm lý ở các cơ quan liên quan như phòng giáo dục, đảm nhiệm công việc góp ý, định hướng và gỡ rối cho các em khi gặp bất hòa, mâu thuẫn. Rất cần một giáo viên chuyên ngành tâm lý lứa tuổi học trò để chia sẻ, bày tỏ những vướng mắc về tình bạn, tình yêu, về kỹ năng giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Do đó, luôn cần có hoạt động tư vấn trong suốt giai đoạn học đường của các em. Giáo dục hình thành và phát triển ở học sinh những kỹ năng giải quyết hài hòa, thấu đáo các mối quan hệ trong cuộc sống đòi hỏi sự kiên trì, bình tĩnh, nếu nóng vội, hấp tấp thì không những không giúp cho học sinh có cách giải quyết sự bế tắc mà còn làm cho các em vất vả hơn khi lựa chọn cách giải quyết thích hợp. Tư vấn cần tập trung vào các vấn đề như: Cách ra quyết định, cách xử lý áp lực và các cách thức ứng xử trước những tình huống không mong muốn. Quan trọng hơn hết là những căng thẳng khi gặp mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh sẽ có nhiều cách hóa giải, sẽ giảm được chuyện cãi vã, bạo lực không đáng có xảy ra trong nhà trường.
5. Phải có những người làm công tác tư vấn chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản, được cấp phép hành nghề. Nhà nước cũng tạo điều kiện tốt nhất cho họ để thường xuyên nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận những vấn đề mới của khoa học tâm lý. Đặc biệt, các phòng, trung tâm tư vấn cần được triển khai rộng khắp trên các địa bàn từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện, giúp mọi người vượt qua những mặc cảm, tự ty, sẵn sàng được hỗ trợ tâm lý từ các chuyên gia.
Hãy tạo điều kiện tốt nhất để lớp trẻ bộc lộ, vượt qua khó khăn. Đừng để sự tích tụ lâu ngày vì bất lực có thể biến thành tội ác.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học – ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)