Học viên của Học viện Yola trao đổi bài |
Một trong những vấn đề quan trọng đối với du học sinh (DHS) khi sinh sống và học tập ở nước ngoài là tài chính. Ngoài số ít được gia đình chu cấp từ A tới Z thì phần lớn DHS đều phải tự trang trải mọi khoản chi tiêu. Và để cải thiện “hầu bao” ít ỏi, rất nhiều bạn trẻ đã chọn phương án: Đi làm thêm.
Có một công việc làm thêm trong thời gian đi du học sẽ mang lại cho DHS rất nhiều lợi ích. Nó không chỉ giúp DHS có khoản tiền dự phòng ngoài số tiền được chu cấp từ gia đình mà còn biết cách quản lý ngân sách, thời gian và có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế để làm “đẹp” hồ sơ xin việc cho mình sau này.
Đa dạng ngành nghề
Ở Mỹ, có đến hơn 78% sinh viên (SV) đi làm thêm khi còn đang học ĐH. Theo thống kê của một số nghiên cứu ở Mỹ gần đây, SV vừa học vừa làm với thời gian khoảng 20 giờ/ tuần trở lại thường có kết quả học tập tốt hơn so với những người không làm thêm. SV Việt Nam tại Mỹ không gặp quá nhiều vấn đề khó khăn khi đi xin việc so với SV du học tại các quốc gia khác, bởi đây là quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh nên nhu cầu lao động ở đây rất cao. Và đây cũng là nước có tỉ lệ dân nhập cư cao trong tiến trình toàn cầu hóa nên không những thường xuyên cần một nguồn lao động trình độ cao mà còn phải đa dạng và phong phú. Vì lẽ đó, SV nước ngoài du học ở Mỹ là nguồn cung cấp chính cho nhu cầu này.
Có rất nhiều công việc để DHS lựa chọn, từ bồi bàn, rửa chén, giữ em bé, ghisê trong các cửa hàng, đến trả lời điện thoại, chuyển tiền ngân hàng, hay tiếp thị qua điện thoại (telemarketing)… Và sẽ rất may mắn nếu một SV nào đó có thành tích học tập tốt, được chọn làm trợ giảng cho các giáo viên tại các trường ĐH vì công việc này không đến nỗi cực nhọc như những việc làm khác mà còn được trả thù lao khá cao. Luật Lao động ở Mỹ cho phép các SV quốc tế khi học tập năm thứ 1 và thứ 2 tại các trường ĐH, CĐ được làm thêm trong trường tối đa là 20 giờ/ tuần khi đang trong thời gian học tập. Vào các kỳ nghỉ, SV được phép làm toàn thời gian mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào. Mức lương được nhận tùy thuộc vào công việc, vị trí và tinh thần trách nhiệm mà SV đó đảm nhận nhưng không ít hơn 5,5 USD/ giờ. Ví dụ, làm bồi bàn được trả 6 USD/ giờ, làm một tháng có thể kiếm được 1.000 USD.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa DHS không hề gặp một trở ngại nào trong quá trình tìm việc. Những SV quốc tế mang visa J1 không được phép đi làm thêm vì chỉ có thời hạn học tập duy nhất 1 năm. Visa F1 cho phép SV làm việc trong trường không quá 20 giờ/ tuần. Nếu muốn làm việc ở bên ngoài trường, SV cần được sự cho phép của viên chức đại diện trường hoặc đăng ký với Cục Di trú Mỹ và chỉ được làm việc sau khi đã học tập tại đây được một năm. Nếu vi phạm điều luật này, SV sẽ gặp khó khăn trong lần xét visa hoặc nặng hơn có thể bị trục xuất về nước vì lý do không tôn trọng luật pháp.
Sự lựa chọn “khôn ngoan”
Công việc làm thêm ở trong trường ĐH hay ở các công ty bên ngoài thường được quảng cáo qua Hiệp hội SV. Nếu thực sự cần một công việc để trang trải cuộc sống, SV nên đăng ký nhiều vị trí từ việc bán hàng, làm ở quán bar, lau chùi nhà vệ sinh, quản trị bởi các công việc này đều mang lại thu nhập và kinh nghiệm thực tế cho DHS, nhất là với những người chưa thành thạo ngôn ngữ bản xứ. Bên cạnh đó, các công ty quảng cáo cũng thường tổ chức đêm giao lưu SV ở các câu lạc bộ, quán bar hoặc đăng tin tuyển dụng qua Facebook những việc tương đối nhẹ nhàng nhưng thu nhập cũng không đến nỗi nào như phát tờ rơi, gửi thư quảng cáo… Do đó, SV nên tham gia những ngày hội doanh nghiệp và tìm cách gửi email cho họ bởi nhà tuyển dụng thường đánh giá cao tính chủ động, độc lập của SV. Rất nhiều công ty tuyển dụng tại Mỹ còn có chính sách bảo lãnh visa cho những SV làm việc cho họ. Nhưng chính sách này chỉ áp dụng cho những SV có học lực giỏi và năng nổ trong các hoạt động. Chính vì thế, hầu hết các ngành nghề khá được ưa chuộng và dễ xin visa đều rơi vào lĩnh vực: Tài chính – ngân hàng, y tá, bác sĩ, và nghiên cứu hoặc trợ giảng ở các trường ĐH.
Một số SV thường lo ngại việc làm thêm nhiều giờ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số SV đều có đủ thời gian để vừa học vừa làm, nhất là khi có sự trao đổi thống nhất với người thuê mình về thời gian làm việc. Các trường ĐH cũng thường có những chương trình học nửa học kỳ cho SV, nửa học kỳ còn lại sẽ làm thêm trong những chương trình của nhà trường. Như vậy, SV vừa có thể làm thêm để lấy kinh nghiệm, vừa đảm bảo kiến thức trong thời gian học tập tại trường.
Bài, ảnh: Huyền Linh
Bình luận (0)