Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đi đường vòng vào ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh thi ĐH xem lại bài sau buổi thi. Ảnh: T.B

Việc thi trượt ĐH khiến không ít bạn trẻ cảm thấy hụt hẫng, mất phương hướng vì cho rằng mình “thua kém bạn bè”. Thế nhưng trên thực tế, cánh cửa giảng đường ĐH vẫn còn nhiều cách mở khác nhau, nếu bình tĩnh chọn lựa mỗi người sẽ tìm được một lối đi phù hợp.
Rớt ĐH không phải đã “tắc đường”
Từ Gia Lai, chú Minh bán hết cà phê, gom góp tiền đưa cậu con trai út ra Đà Nẵng thi ĐH. Biết cha mẹ vất vả nên Minh Lập học ngày học đêm, mong ước thi đậu để sau này kiếm được một công việc ổn định, đỡ đần phần nào cho gia đình. Cả tháng sống trọ nơi “đất khách”, Lập chẳng dám đi đâu, suốt ngày chỉ có học và ôn. Thế nhưng, thi ĐH cả 2 khối A và B xong, Lập bỗng trở nên căng thẳng vì không làm tốt đề nào. Có lẽ những mẫu bài tập hóc búa quá khó với cậu học sinh có học lực trung bình này. Tâm lý bị ảnh hưởng cộng thêm ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý, Lập bị bệnh ngay trước ngày thi CĐ.
Hôm biết kết quả thi ĐH, chưa khối nào trên 7 điểm, Lập cảm thấy thất vọng vô cùng. Gần một tháng sau đó em chẳng nói chẳng rằng, cứ né tránh bạn bè, hàng xóm. Biết con đang hoang mang, chú Minh tìm mọi cách trấn an Lập như đưa về quê ngoại ở miền Tây chơi, mua sách cho đọc. Lúc chỉ có hai cha con, chú Minh thủ thỉ: “Thi rớt ĐH thì mình học trung cấp, có sao đâu con. Ba má biết con đã cố gắng hết sức rồi mà”. Thuyết phục Lập xong, chú Minh dò hỏi, tìm trường để con trai nộp hồ sơ đăng ký. Học vững nhất môn toán, sau một hồi “cân đo đong đếm”, Lập chọn ngành kế toán. Lập vui vẻ nói: “Ban đầu em chán nản lắm, muốn buông xuôi hết luôn. Giờ biết tự lượng sức rồi, đi đường vòng vào ĐH cũng không muộn, chỉ chậm hơn bạn bè một chút thôi”. Cả nhà đều làm rẫy nên với chú Minh việc cho con cái ăn học tới nơi tới chốn là mục tiêu hàng đầu. Trong năm đầu học trung cấp, Lập suốt ngày đòi ôn để thi lại ĐH. Biết rõ năng lực của con trai, chú Minh đã hết mực khuyên can, phân tích rõ ràng nhằm giúp Lập nhìn thẳng vào thực tế. Giữa học kỳ 1, nhắm không thể tiếp tục vừa học vừa ôn, Lập tập trung toàn lực cho việc học tại trường. Nhờ học tập siêng năng, sau 2 năm “chiến đấu”, Lập đã tốt nghiệp loại khá và đang học liên thông lên CĐ. Công việc hiện tại giúp Lập có đủ tiền trang trải kinh phí để học lên cao, đồng thời khiến em vững tin hơn trên con đường ĐH không xa ở phía trước.
Làm công nhân để ôn thi ĐH
Gia đình ngoài Quảng Bình quá khó khăn nên ngay khi biết mình thi trượt ĐH, Hồng Thúy quyết định trụ lại TP.HCM để theo đuổi cho bằng được giấc mơ ngồi trên giảng đường. Công việc mà cô gái này chọn là làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương. Thúy chia sẻ: “Mình chấp nhận bỏ ra một năm đi làm để gom góp tiền rồi tiếp tục thi ĐH. Với mình, chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống hiện tại”. Xót con, ba mẹ Thúy hết mực can ngăn, hù dọa rồi nài nỉ nhưng không thành. Cuối cùng, anh trai Thúy khăn gói vào Nam ở cùng với mong muốn có thể giúp em gái giải quyết phần nào khó khăn trước mắt. Bằng cấp đàng hoàng, anh trai Thúy nhanh chóng kiếm được công việc với mức lương khá ổn định. Thế nhưng mỗi khi anh trai dúi tiền vào túi, Thúy đều từ chối. Làm được bao nhiêu tiền, em nhét ống heo sau khi trừ các khoản chi tiêu. Tối về, thay vì nghỉ ngơi, xem ti vi, em lại ôm sách vở lên căn gác xép ôn bài đến khuya. Biết khó có thể bắt em gái bỏ cuộc, anh trai bù đắp cho em bằng những món quà bất ngờ. Khi thì tô mì gói, lúc lại là bộ sách ôn khối C. Thấy anh trai quan tâm hết mực, Thúy càng thêm quyết tâm. Một năm sau, Thúy nộp hồ sơ thi vào Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và đỗ với số điểm khá cao. Nghỉ việc tại khu công nghiệp, Thúy tìm hai lớp gia sư đi dạy để kiếm tiền xoay xở việc học vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Sau rất nhiều nỗ lực, vào được đúng môi trường mình yêu thích, Thúy bật lên khá nhanh. Kết quả tốt nghiệp loại giỏi của cô sinh viên miền Trung này khiến nhiều người nể phục. Ra trường, được nhận vào dạy ở một trường trung cấp, Thúy tiếp tục học lên cao để “sau này có thể về dạy tại chính ngôi trường mình đã học”.
Có thể nói, Lập và Thúy là hai trong rất nhiều trường hợp “bại không nản” nhờ có sự định hướng đúng đắn từ gia đình cũng như bản thân. Nếu Lập cứ theo đuổi giấc mơ quá xa vời thì chưa chắc bây giờ cuộc sống em đã ổn định. Còn nếu Thúy chấp nhận bỏ cuộc ngay lần vấp ngã đầu tiên thì giờ không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Thiên Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)