Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Ảnh: D.Bình
|
Do quá kỳ vọng vào bản thân nên với nhiều học sinh, việc rớt ĐH như khép lại mọi cánh cửa hướng về tương lai. Các bạn cho rằng mình không đủ năng lực để làm bất cứ điều gì rồi đâm ra chán nản, hụt hẫng. Thế nhưng các bạn đâu chịu hiểu, một khi cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra.
Tự đứng dậy từ chính nơi vấp ngã
12 năm đèn sách miệt mài, vậy mà khi “lai kinh ứng thí” kết quả thu về không được như mong muốn, đa phần các “sĩ tử” sẽ thấy mệt mỏi, vơi dần niềm tin. Đối diện với thực tế khá phũ phàng, những người thiếu bản lĩnh sẽ trượt dài trong nỗi buồn bằng lối sống khép kín, buông xuôi. Nhiều bạn còn hình thành cách nghĩ tiêu cực khiến gia đình, người thân lo lắng. Họ nằm im sau lần vấp ngã khá đau đó để rồi khi ngoái đầu nhìn lại càng ngán ngẩm hơn do đã lãng phí quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, với những người lạc quan, họ luôn biết tìm cách vượt qua khó khăn, hoạch định lại cuộc đời theo một lối đi riêng vừa sức hơn. Nếu đủ sáng suốt bạn sẽ nhận ra, vào ĐH đâu phải là con đường duy nhất để tiến thân. Còn rất nhiều cơ hội khác đang đợi chờ phía trước, miễn con người biết nỗ lực hết sức.
Vẫn biết, sau mỗi lần thất bại, bạn trẻ sẽ không tránh khỏi tâm trạng buồn chán, thất vọng. Thế nhưng, việc bạn đứng lên sau thất bại như thế nào mới là điều đáng nói. ThS. Nguyễn Thị Vân, giảng viên bộ môn tâm lý, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chia sẻ: “Tôi đồng tình với những ai biết đứng lên sau thất bại rồi tự vạch ra cho mình kế hoạch của bước đi tiếp theo. Việc ngồi im “gặm nhấm” nỗi đau chẳng những không giúp bạn giải quyết được gì mà càng khiến “khổ chủ” thêm bế tắc”.
Bình tĩnh quan sát cuộc sống, bạn sẽ nhìn thấy biết bao doanh nhân thành đạt quanh ta vẫn “chưa tốt nghiệp ĐH”. Có thể cũng đã trải qua một thời buồn khổ như bạn, nhưng rồi họ biết tự đứng lên, từng bước tạo dựng tương lai. Năng lực và bản lĩnh của họ được đánh giá cao thông qua quá trình nỗ lực cùng sự thành công hiện tại. Vậy bạn còn chờ gì nữa mà không đứng dậy, phủi đôi tay dính đất và sải chân thật tự tin. Hãy vạch ra một chiến lược mới, cụ thể và thực tế hơn. Đó có thể là việc “hạ level” để đăng ký vào học tại một trường CĐ vừa tầm, một trường trung cấp uy tín hoặc một trường nghề chất lượng. Bằng không, nếu còn đủ quyết tâm, hãy chuẩn bị mọi thứ để nắm chắc phần thắng trong mùa thi tới.
Nghỉ dưỡng sức
Theo ThS. Vân, sau khi trải qua một kỳ thi đầy áp lực và mệt mỏi mà kết quả vẫn bị rớt, bạn trẻ chưa nên bắt tay vào việc ôn thi tiếp vì như thế sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, cần cho đầu óc nghỉ xả hơi. Trong khoảng thời gian rảnh rỗi này, nhằm hạn chế tối đa tình trạng buồn chán cũng như để thay đổi không khí, bạn có thể giúp đỡ cha mẹ những công việc gia đình, đi du lịch (nếu đủ điều kiện), tham gia công tác xã hội hoặc các lớp học rèn luyện thể lực, ngoại khóa, kỹ năng mềm… Tuy nhiên, bạn trẻ cần xác định rõ thời gian nghỉ ngơi nên kéo dài trong bao lâu là hợp lý. Đừng “nằm nhà” quá lâu vì như thế sẽ quên dần kiến thức, ảnh hưởng đến việc ôn tập cho kỳ thi kế tiếp. Một điều quan trọng không kém là mỗi người phải hiểu rõ học lực của mình, điểm mạnh/ yếu trong từng môn nhằm có được một thời khóa biểu luyện thi hiệu quả.
Nếu quyết định không thi lại vào mùa sau, bạn trẻ nên chọn hướng đi khác phù hợp với thế mạnh bản thân. Bạn có thể chia sẻ mong ước, nguyện vọng với cha mẹ, thầy cô giáo hay người lớn khác để được tư vấn, hướng nghiệp. Lời khuyên, những thông tin sát thực tế là phương thuốc quý cho giai đoạn “chuyển tiếp” này. Không nhất thiết cứ phải tốt nghiệp ĐH mới kiếm được việc làm ổn định, bạn vẫn đủ sức tự nuôi sống bản thân khi nắm trong tay tấm bằng trung cấp, CĐ. Sau này khi hội đủ điều kiện, bạn có thể đăng ký học liên thông. Tuy đi đường vòng lâu hơn vài năm nhưng kết quả đạt được chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng.
Minh Nhiên
Sau khi biết mình thi rớt ĐH, những người lạc quan luôn biết tìm cách vượt qua khó khăn, hoạch định lại cuộc đời theo một lối đi riêng vừa sức hơn. |
Bình luận (0)