Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Kiên nhẫn mới dạy giỏi được”…

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Trần Quang Bình (giữa) cùng đồng nghiệp trong lễ nhận giải thưởng

Nhiều khi chỉ một câu hỏi có phần… “lạc đề” của học sinh – sinh viên (HS-SV) trong giờ dạy mà giảng viên phải mất cả đêm để nghiên cứu, tìm hiểu. Luôn tìm tòi, cập nhật kiến thức là cách để trở thành giảng viên giỏi, trước hết là trong mắt HS-SV!
Giảng viên Trần Quang Bình (Khoa Công nghệ thông tin Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) đã chia sẻ điều này sau khi đoạt giải nhì Hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc lần 9 năm 2012 do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua.
Chớ nên xem thường những câu hỏi… “lạc đề” của HS-SV bởi trong đó đôi khi gợi mở rất nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến bài giảng.
“Lạc đề” mà… hay!
Thầy Bình cho rằng, những câu hỏi “lạc đề” thường xuất phát từ việc HS-SV không hiểu bài, hỏi rộng hơn phạm vi nội dung bài giảng hoặc cũng có khi chỉ nhằm… gây chú ý. Đối với những câu hỏi… thiếu thiện chí, giảng viên có trách nhiệm kịp thời định hướng lại cho các em, kéo các em trở về bài giảng. Còn với những câu hỏi dạng mở rộng, phát triển kiến thức, người dạy cũng cần khích lệ các em đồng thời chọn thời điểm trả lời thích hợp, có thể ngoài giờ hoặc vào tiết học khác có nội dung liên quan. Như vậy, thầy và trò cùng có điều kiện trao đổi sâu hơn đồng thời không gây lấn át thời lượng bài đang học.
Những tình huống HS hỏi… lạc đề như thế này rất thường gặp trong thực tế và ngẫu nhiên lại rơi vào chính đề thi của thầy Bình tại Hội thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc mới đây. Với cách xử lý tình huống khá linh hoạt, mềm mỏng như trên, phần thi của thầy đã được Ban giám khảo đánh giá khá cao. Bên cạnh đó, phần thi giảng dạy thực hành của thầy đối với bài Kỹ thuật bấm cáp mạng (cáp xoắn đôi) cũng “lấy lòng” được Ban giám khảo nhờ tạo được sự tương tác tích cực trong HS-SV, buộc các em phải “động não” khi tiếp nhận kiến thức. Tuy nhiên, do là thí sinh thi đầu tiên nên thầy Bình có phần bị áp lực. Chính điều này đã khiến bài giảng của thầy hơi chậm ở những phút đầu làm cho thầy đến tận giờ còn thấy tiếc.
Với thầy Bình, một tiết dạy thành công đơn giản là HS-SV hào hứng đón nhận và hiểu được những kiến thức mà người giảng viên truyền đạt. Tuy nhiên điều này không hề dễ cho dù người giảng viên đó có sự chuẩn bị kỹ càng. Bởi HS-SV có trình độ không đồng nhất với nhau, do đó có khi cùng một nội dung nhưng em này tiếp nhận được, em khác lại thấy khó hiểu. Cũng chính vì vậy mà với cùng một bài học, người thầy phải tìm cách ứng dụng nhiều cách giảng dạy khác nhau.
“Đôi khi chỉ từ một thắc mắc của các em mà tôi phải thức đến 2-3 giờ sáng để nghiên cứu, tìm hiểu. Những việc này nếu thiếu sự kiên nhẫn thì không thể thành công được” – thầy Bình nhấn mạnh. Sự kiên nhẫn không chỉ là yêu cầu của công việc mà cũng đã trở thành một phần tính cách của thầy Bình. Không chỉ kiên nhẫn trước từng câu hỏi nhỏ của HS-SV để qua đó tự “nâng cấp” kiến thức chuyên môn của mình mà còn trong việc lắng nghe, ghi nhận đóng góp của đồng nghiệp sau mỗi bài học, phương pháp giảng dạy nhằm đúc kết kinh nghiệm truyền đạt tốt nhất.
Con nhà tông…
Các em HS-SV từng… ngán và sợ tiết dạy của thầy Bình mặc dù thầy không bao giờ điểm danh. Thay vào đó, thầy hay kiểm tra thường xuyên (5 hoặc 10 phút) để củng cố kiến thức cho HS-SV sau mỗi giờ giảng. Nhưng sau đó nhiều em lại thầm cảm ơn thầy vì nhờ vậy mà các em chuyên cần, nhớ ngay kiến thức, không bị dồn quá nhiều bài vở vào phần kiểm tra kết thúc môn đồng thời tích lũy điểm số dần dần suốt quá trình học.
Là “dân” công nghệ thông tin (từng học Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), nghề giáo chỉ là một bước rẽ tình cờ trong cuộc đời thầy Bình nhưng có lẽ sẽ là hướng đi lâu dài. Thực chất, thầy đang kế nghiệp nghề truyền thống sư phạm của gia đình. Cha mẹ thầy Bình từng là giáo viên một trường tiểu học ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nơi mà anh trai đầu của thầy cũng đang giữ nghiệp “gõ đầu trẻ”. Thầy Bình ý thức rằng, danh hiệu giáo viên dạy giỏi mới chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực của bản thân suốt thời gian qua, còn để bám trụ lâu hơn với nghề, việc không ngừng làm mới kiến thức, làm mới mình là điều vô cùng cần thiết.
Hiện, bên cạnh công tác giảng dạy, thầy còn là Bí thư Đoàn khoa Công nghệ thông tin. “Bận gì thì bận, nhưng tham gia những hoạt động phong trào cùng HS-SV không chỉ vui, gần gũi thêm với các em mà tâm hồn mình cũng như được trẻ lại”, thầy Bình chia sẻ.
Bài, ảnh: M.Tâm
TP.HCM hạng nhất toàn đoàn
Tại Hội thigiáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc lần này, TP.HCM xếp hạng nhất toàn đoàn với 5 giải nhất, 8 giải nhì và 10 giải ba. Một số bài giảng được đánh giá cao như Khái niệm và phân loại vật liệu gốm xây dựng, Kỹ thuật thông tiểu thường, Hệ thống lạnh hai cấp, Kế toán giảm giá hàng bán
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)