Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đau đầu với “kịch tác gia” học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh vui chơi tập thể

Chuyện phụ huynh kéo đến trường “hỏi tội” giáo viên vì đã đánh hay la, mắng con em mình đã không còn là chuyện mới.
Đáng sợ hơn, chính các cô, cậu học trò ngổ nghịch kia lại là “kịch tác gia” kiêm “diễn viên” đã gián tiếp gây nên những chuyện đáng tiếc khi cha mẹ đặt niềm tin ở con quá lớn và thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc.
“Kịch tác gia” kiêm “diễn viên”
Chuyện đại gia đình học sinh (HS) kéo đến một trường tiểu học khá nổi tiếng tại Q.4 để “quậy” hồi cuối năm học 2011-2012 là một ví dụ cụ thể. Nhiều phụ huynh có con học ở trường này kể lại, một HS nam tên V. nổi tiếng ngổ nghịch, coi lớp học như sân chơi của riêng mình. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng em này vẫn tái phạm, cô giáo có la mắng nhẹ nhàng nhưng em không thay đổi mà ngược lại còn “quậy” hơn. Vì lý do đó, cô giáo có dùng thước đánh nhẹ vào mông em. Chuyện chỉ có thế nhưng sáng hôm sau, gia đình em V. hơn chục người kéo đến trường đòi tìm gặp cô giáo với thái độ hết sức hung hăng. Họ văng tục chửi thề, thậm chí dọa “xử đẹp” nếu cô giáo không công khai xin lỗi.
Cũng vào cuối năm học vừa qua, phụ huynh và giáo viên Trường THCS M. (Q.8) hết sức bàng hoàng khi chứng kiến hình ảnh tương tự. Không chỉ cha mẹ của HS mà còn có cả một đám “đầu gấu” xăm trổ đầy mình kéo đến trường để tìm “xử” giáo viên vì dám cả gan véo tai em L., là con, cháu của họ. Một phụ huynh chứng kiến kể lại họ rất hung hăng, không chịu nghe lãnh đạo nhà trường giải thích mà một mực đòi gặp mặt giáo viên để “hỏi tội”. Trước thái độ hung hăng của họ, phụ huynh phải báo công an phường đến can thiệp. Không “hỏi tội” được giáo viên, nhóm này mạnh miệng tuyên bố: “Gặp đâu chém đó, chém mỏi tay, kể cả người thân của nó…”. Vì lời đe dọa ấy, suốt mấy tháng liền thầy H., giáo viên chủ nhiệm của L. không dám đến trường một mình mà phải nhờ người thân đưa đón.
Trường hợp khác, N.K, học lớp 8 Trường THCS Q. (Q.5), thường xuyên bị cô giáo mắng vì không thuộc bài nên em đã viết một “kịch bản” kể tội cô rồi “trình” cho cha. Trong “kịch bản” này, K. khẳng định vết bầm ở mí mắt trái là do cô giáo đánh, trong khi đó K. đã tham gia đánh nhau với bạn lúc tan trường. Cha của K. vốn là một tay giang hồ có máu mặt chuyên bảo kê các nhà hàng, vũ trường trên địa bàn. Chẳng cần biết “ông tướng” nhà mình đúng hay sai, cha K. liền “triệu tập” đám đàn em gần chục tên tới trường “hỏi tội” cô giáo. Cũng may, một phụ huynh quen biết gặp ông trước cổng trường đã kịp thời giải thích sự việc không phải như K. nói thì mọi chuyện mới êm.
Hiện tượng xã hội nguy hiểm
Cô H., giáo viên Trường THCS M., một “nạn nhân” của “kịch tác gia” học trò từng có ý định bỏ nghề để kiếm công việc khác. Tuy nhiên, cô không làm được vì nhiều lẽ. “Nhiều lần bật khóc vì HS có hành vi quá đáng, dám dựng chuyện bêu xấu thầy cô đủ điều. Phụ huynh vì bênh vực con mà có lời lẽ xúc phạm giáo viên. Liệu có đúng khi mình bỏ nghề vì một HS như thế? Hơn nữa những HS cá biệt như vậy không phải là hết cách dạy dỗ. Chúng ta bỏ mặc HS đồng nghĩa với việc làm hư chúng thêm”, cô H. tâm sự.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.4 cho biết, qua nhiều năm công tác đã gặp không ít trường hợp phụ huynh kéo đến trường chửi mắng giáo viên thậm tệ vì những chuyện không đâu. Từ sự thiếu hiểu biết, bênh vực con quá đáng mà phụ huynh không kiềm chế được bản thân là điều đáng tiếc. Bên cạnh đó, không ít HS mới 7-8 tuổi mà bịa chuyện khéo như thật đến người lớn còn giật mình. Thầy cô chỉ la mắng với mong muốn các em thay đổi tính cách theo hướng tích cực để học tập tốt hơn. Tuy nhiên, khi thấy con “diễn” như thật, phụ huynh không chịu tìm hiểu kỹ mà đã có những hành động không hay làm ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên cũng như nhà trường.
Khi đề cập thực trạng này, TS. tâm lý Vũ Gia Hiền cho rằng, HS nói láo, bịa chuyện như thật không phải là hiếm mà đã trở thành hiện tượng xã hội nguy hiểm. Áp lực công việc của người giáo viên đã nảy sinh một số chuyện không hay, từ đó thầy cô trở thành đối tượng bị xã hội kết tội. Trẻ em cũng lợi dụng vào đó mà “kết tội” giáo viên. Xuất phát từ việc phụ huynh bênh vực con không khoa học dẫn đến chúng lợi dụng tình yêu của cha mẹ để nói dối về một người, một sự việc nào đó có lợi cho mình.
Bài, ảnh: Trần Anh
“Phụ huynh cần cảnh giác trước những câu chuyện “bịa như thật” của trẻ; đồng thời bình tĩnh phối hợp với giáo viên và nhà trường cùng tháo gỡ rắc rối”, TS. tâm lý Vũ Gia Hiền chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)