Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuẩn bị tâm thế cho năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Một số thầy cô cho rằng, mỗi năm học mới, dù điều hành lớp này hay lớp khác thì giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cũng sẽ phải “vật lộn” với những học sinh (HS) cá biệt. Đây là “hoàn cảnh tự nhiên” mà tất cả GVCN cảm thấy quen rồi, không cần phải chuẩn bị gì cả. Tuy nhiên, theo tôi, GVCN không thể áp đặt những điều gặp phải trong quá trình giảng dạy của năm cũ mà có những suy nghĩ tương tự đối với HS của năm học mới. Bởi vì không phải lớp nào cũng giống lớp nào, mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, tâm lí HS sẽ khác nhau. Có thể năm học trước còn quậy phá nhưng năm học sau, các em chững chạc, chăm chỉ hơn thì sao?
Theo tôi, việc cần chuẩn bị khi bước vào năm học mới là làm sao cho tinh thần của HS được thoải mái. Bản thân GVCN cũng cần giữ cho tinh thần thật sự thoải mái, tránh những điều nặng nề về khối lớp, về HS… mà ảnh hưởng tới một cuộc chinh phục mới. Một ánh mắt vui tươi, một cái nhìn thân thiện khi GVCN bước vào nhận lớp chính là “tình cảm” đầu tiên để làm quen với HS. Ánh mắt, nụ cười ấy sẽ là “vũ khí” rất có lợi để GVCN điều khiển các em theo hướng tích cực. Ngược lại, một cái nhìn nghiêm nghị, hay khuôn mặt cau có sẽ làm cho HS “khó gần” với người “thuyền trưởng” của mình và các em sẽ ít nhiều có cảm giác… chán khi gặp một GVCN với phong cách như thế. Từ đó, các em sẽ khó hợp tác trong các phong trào chung của trường, của lớp. Nếu phát huy được sự tích cực của HS từ những ngày đầu làm quen, GVCN sẽ tạo nên một bầu không khí thân thiện để HS cảm nhận được thầy cô chính là “chỗ dựa tinh thần lớn nhất” của mình ở trường, lớp…
Sự chuẩn bị chu đáo của GVCN cũng chưa đủ mà rất cần sự hợp tác của HS. Các em phải hiểu rằng, GVCN chính là “người thuyền trưởng” lèo lái con thuyền của lớp mình đi đến nơi, về đến chốn. Vì vậy, khi nhận lớp chủ nhiệm, GV cần có cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở với tất cả các em, từ những HS nòng cốt đến các HS cá biệt của lớp. Tạo được mối quan hệ tốt và bình đẳng như thế thì HS cảm nhận được sự công bằng của “người thuyền trưởng” và từ đó, các em sẽ hợp tác tốt hơn với thầy cô.
Tóm lại, bước vào một năm học mới với những đối tượng HS khác nhau, GVCN cần chuẩn bị tâm lí cho chính mình và đồng thời phải có sự thân thiện để HS hiểu rằng, GVCN sẽ là chỗ dựa để các em nương tựa trong những lúc gặp khó khăn về việc học tập, trong các hoạt động, những chuyện khó nói của tâm lí lứa tuổi học trò… Có như thế, những cuộc chinh phục tri thức của các em mới thật sự khởi sắc vì cả thầy và trò đã có sự chuẩn bị chu đáo cho một năm mới.
Minh Duy 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)