Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh thường áp đặt con mình phải thi đậu cho được vào một trường ĐH. Và khi “ước mơ” của họ không thành thì chuyện thi rớt ĐH trở thành nỗi ám ảnh và là một cú sốc rất lớn đối với các em HS. Làm sao để giúp các em vượt qua cú sốc này? Đó là vấn đề mà chính những thành viên trong gia đình cần quan tâm trước tiên. Nhiều phụ huynh quan niệm nếu không đậu ĐH, con mình sẽ không thể đi tiếp con đường tương lai phía trước. Suy nghĩ này thật sự không chuẩn xác, nếu không muốn nói là sai lầm. Một thực tế cho thấy đã có nhiều tấm gương thành công trên thương trường kinh tế, khoa học của thế giới mà không thi đậu ĐH, chẳng hạn như Steve-Jobs (người lãnh đạo của hãng Apple nổi tiếng thế giới) hay tỉ phú người Nga – Roman Abramovich…
Như vậy, nếu không vượt qua được kì thi ĐH thì cũng không có nghĩa là các em đã hết cách mở “cánh cửa” tương lai. Rớt ĐH chưa phải là dấu chấm hết, đó chỉ là dịp để các em nhận thức được mình cần tìm một hướng đi, một ngã rẽ khác trong cuộc đời để trải nghiệm và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ. Các bậc phụ huynh đừng quá nặng nề về chuyện con thi rớt ĐH thì mình sẽ mất mặt với bạn bè, dòng họ… Những kiểu suy nghĩ như vậy chẳng những không làm cho các em cảm nhận cha mẹ là chỗ nương tựa tốt nhất, vững chắc nhất mà ngược lại sẽ làm tổn thương trẻ và cá biệt, có khi dẫn đến việc các em có hành động nông nổi do không vượt qua được ánh mắt, cử chỉ không vui của chính cha mẹ mình. Thi rớt ĐH, đó là điều chắc chắn các em không hề muốn. Và đó không hoàn toàn là lỗi của các em.
Trên thực tế, rớt ĐH không phải là “chướng ngại vật” có thể làm “ngã ngựa” những HS giàu nghị lực, ý chí mà đó chỉ là dịp để các em củng cố, nuôi lớn thêm quyết tâm mà thôi. Nếu có quyết tâm, mọi việc dù khó đến mấy thì cũng có thể thực hiện được, thành công chỉ phụ thuộc vào việc chúng ta có sáng suốt để lựa chọn cách thức, định hướng đúng đắn hay không mà thôi. Nếu lỡ rớt ĐH, các em cũng không nên nghĩ đến chuyện “dừng cuộc chơi” mà hãy nhìn nhận thực tế là có nhiều con đường khác để lựa chọn, nhiều hướng đi để tạo cho mình một nghề nghiệp ổn định sau này.
Tóm lại, để có được sự tự tin, bản lĩnh, các em rất cần những chia sẻ mang tính tích cực, động viên của cha mẹ nhằm giúp các em vượt qua cú sốc đầu đời. Có như vậy, chúng ta mới có những “thiên tài vượt khó” trong tương lai.
Minh An
Bình luận (0)