Y tế - Văn hóaThư giãn

Văn hóa đọc được khích lệ trong cộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 2 năm triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo môi trường giúp người dân có thêm cơ hội để tiếp cận với thông tin và tri thức. 

Hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng

Đề án không chỉ góp phần lan tỏa xu hướng đọc sách trong cộng đồng mà còn đem ánh sáng tri thức tới nhiều thôn bản, những người ít có cơ hội hưởng lợi từ văn hóa đọc.

Phát triển mạng lưới thư viện

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), nhận xét: “Văn hóa đọc ở Việt Nam đã có sự khởi sắc sau khi đề án được phê duyệt. Mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở phát triển vượt bậc. Năm 2019, có 24.080 thư viện công cộng (tăng 14%); trong đó, cấp xã là 3.290 thư viện (tăng 11%), số phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 19.881 (tăng 11.4%) so với năm 2018. Có tổng số 44 triệu bản sách, tăng 3% so với năm 2018”.

Tính đến thời điểm này, cả nước có 178 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Điều đáng ghi nhận là cả những người khuyết tật cũng rất tích cực tham gia vào việc xây dựng thư viện và không gian đọc cho cộng đồng. Bên cạnh những thư viện tiêu biểu như anh Đỗ Hà Cừ, tỉnh Thái Bình, liệt toàn thân do ảnh hưởng chất độc da cam, đã mở không gian đọc Hy Vọng tại nhà và giúp các bạn khuyết tật khác mở thêm nhiều không gian đọc khác với những cái tên rất đẹp như: Ước Mơ, Ánh Sáng, Niềm Tin, Hoa Hướng Dương…

Cùng với thư viện tư nhân, các thư viện cộng đồng xã, thôn tiếp tục được duy trì và phát triển, chỉ trong vòng 1 năm, hơn 2.000 thư viện đã được thiết lập, tạo môi trường thuận lợi cho người dân được đọc sách báo tại nơi sinh sống. 19.881 thư viện đã được triển khai từ những tấm lòng và những hoạt động thiện nguyện của các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi. Có những mô hình thư viện xã trở thành nơi học tập của nhiều địa phương: Thư viện cộng đồng xã Vĩnh Hòa (Hải Dương), Song Khê (Bắc Giang)… Có những thư viện thôn, xã mở cửa hàng ngày và trở thành điểm đến yêu thích của nhiều con trẻ, cụ già và người dân ở nông thôn, tiêu biểu như Thư viện làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội), Thư viện thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ), Thư viện Trang Liệt (Bắc Ninh)… Tại Bình Dương, tủ sách dành cho công nhân các khu công nghiệp cũng được triển khai và nhận được sự hỗ trợ, hưởng ứng từ các doanh nghiệp và bạn đọc.

Các chương trình vận động, phối hợp, hỗ trợ xây dựng thư viện tiếp tục được duy trì thực hiện tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai… với hàng vạn cuốn sách đã được trao tặng đến các khu vực đặc biệt khó khăn.

Nở rộ phong trào khuyến đọc

Hướng tới mong muốn “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ VH-TT-DL tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp công tác với bộ ngành liên quan nhằm mục tiêu đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, chú trọng đến khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn và các đối tượng bạn đọc, đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…

Nhiều chương trình, dự án như: Sách hóa nông thôn, Sách cho em, Sách ơi mở ra, các câu lạc bộ Sách và Hành động, Vùng cao yêu thương… được thực hiện, mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em. Công tác vận động thu hút nguồn lực của xã hội vào hoạt động thư viện được đẩy mạnh. Dự án trang bị Ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” trao tặng 31 xe, nâng tổng số tỉnh được dự án tài trợ lên 44 tỉnh, thành phố. Dự án đã tạo điều kiện cho các thư viện triển khai nhiều dịch vụ phục vụ cộng đồng hiệu quả tại vùng sâu, vùng xa; đặc biệt với đối tượng là học sinh, bộ đội biên phòng, kể cả các phạm nhân.

Để tạo thêm các tiện ích cho Ô tô thư viện lưu động, Vụ Thư viện còn vận động một số nhà tài trợ khác tài trợ thêm phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử và sách nói, phục vụ người khiếm thị và đem lại một số kết quả khả quan. Trong 2 năm 2018-2019, TPHCM đã phục vụ được hơn 15.000 lượt bạn đọc khiếm thị. Bên cạnh đó, nhiều trại giam đã phối hợp với các thư viện cấp tỉnh thực hiện tốt việc phối hợp mang sách đến cho phạm nhân. Điều này đã góp phần giúp nhiều phạm nhân thay đổi nhận thức, quyết tâm cải tạo, tu dưỡng.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, để đề án phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, cần sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để phát triển văn hóa đọc. Trong đó chú trọng đến đối tượng học sinh, sinh viên. Sử dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển văn hóa đọc lành mạnh, hạn chế những tiêu cực, mặt trái của mạng xã hội đến công chúng.

Ghi nhận những thành tích của đề án nhưng Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cũng lưu ý, cần duy trì và phát huy mạnh hơn nữa đề án để hình thành thói quen đọc, tạo nền tảng quan trọng cho việc học tập suốt đời của mọi người dân, hình thành xã hội học tập.

Tại Hội nghị, Bộ VH-TT-DL đã trao giải thưởng nhằm tôn vinh 17 tập thể, 7 cá nhân đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong năm 2019.

Theo Mai An/SGGPO

 

Bình luận (0)