Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lãng phí sách

Tạp Chí Giáo Dục

Khi biết con mình chính thức được vào học lớp bán trú, ngoài việc mua sắm dụng cụ học tập, đồng phục theo đúng mẫu quy định của nhà trường, anh Dũng (Gò Vấp, TP.HCM) còn mua thêm cho con một bộ sách giáo khoa. Theo anh Dũng, con anh đứa nào cũng được trang bị hai bộ sách giáo khoa vào đầu năm học để “một bộ sử dụng ở trường, còn một bộ dùng ở nhà cho đỡ mất công”! Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Dũng khẳng định: “Tôi cam đoan rằng, rất nhiều phụ huynh có con học bán trú đều trang bị cho con mình hai bộ sách giáo khoa”. Thấy tôi băn khoăn về việc tại sao đứa em không tận dụng sách cũ của thằng anh cho đỡ phí, anh nói: “Thời bây giờ ai lại đi học sách cũ, hơn nữa, cứ cuối năm học là rách hết trơn rồi thì làm sao tận dụng được”.
Với tâm lý “sợ con quên mang sách theo, không có cái để mà học”, “sợ con mang nặng, ảnh hưởng đến cột sống”… nên nhiều phụ huynh có con học bán trú đã trang bị thêm một bộ sách giáo khoa nữa để trong hộc tủ tại lớp cho con. Lí do nêu trên là chính đáng, các cháu chỉ việc đem mấy quyển tập tới lớp và khi học môn nào thì chỉ việc mở tủ lấy sách giáo khoa ra. Tuy rất tiện lợi cho các cháu trong việc học tập nhưng vô tình chúng ta đã “kéo dài” tính lười biếng, “cổ vũ” cho thói quen xài phung phí hay “nối giáo” cho sự cẩu thả, thiếu cẩn thận trong học tập cũng như trong công việc ở con trẻ.
Rõ ràng, việc trang bị thêm một bộ sách cho con cũng là điều hết sức bình thường trong xã hội hiện đại. Tuy có tiện lợi nhất định nhưng đôi khi chính việc đó lại là nguyên nhân hình thành những thói quen xấu ở trẻ. Trước hết, nó hình thành ở trẻ tính ỷ lại, không biết giữ gìn, quý trọng sách; không biết tiết kiệm công sức, tiền bạc của cha mẹ. Trẻ sẵn sàng xé bỏ, viết, vẽ linh tinh vào trong sách, thậm chí có những quyển sách như sách học tiếng Anh có giá rất cao, ít lạc hậu nhưng nhiều trẻ sử dụng chưa được một năm là bán “ve chai”.
Nếu chỉ với một bộ sách trong nhà, thì hằng ngày trẻ phải kiểm tra xem ngày hôm sau học gì để soạn sách mang đi cho đúng với thời khóa biểu. Và như vậy, ở trẻ sẽ hình thành thói quen cẩn thận hơn. Thời chúng tôi đi học, sách giáo khoa rất hiếm nên việc lớp sau kế thừa lớp trước là điều hết sức bình thường. Sách vở được giữ gìn rất cẩn thận, bọc bằng bao bì xi măng (học sinh nào “sang” thì được cha mẹ mua cho một quyển họa báo để bọc sách) và khi anh chị dùng xong thì để lại cho em út. Do đó các bộ sách được lưu truyền sử dụng nhiều năm liên tục. Xét về mặt bản chất, sách nói chung và sách giáo khoa nói riêng là một trong những công cụ để tích lũy, truyền bá tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, giáo dục, rèn luyện cho trẻ biết tiết kiệm, giữ gìn, quý trọng sách là trách nhiệm của các bậc phụ huynh và nhà trường. Nếu trẻ biết giữ gìn sách giáo khoa cẩn thận thì có thể để lại cho các em học hay gửi tặng cho trẻ em vùng sâu, vùng xa – những nơi vốn thiếu thốn sách giáo khoa để học là một việc làm vừa mang đậm tính nhân văn, vừa tránh sự lãng phí sách.
NGUYỄN DIỆU

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)