Nhà trường cần hướng học sinh vào các hoạt động vui chơi tập thể để các em hòa nhập tốt. Ảnh: N.T
|
Những năm gần đây, số trẻ mắc bệnh tự kỷ học tại các trường mầm non, tiểu học không phải là hiếm. Bên cạnh những trẻ mắc bệnh tự kỷ, có không ít trẻ “cố tình” tự kỷ. Nếu giáo viên không tinh ý sẽ rất dễ bị mắc lừa…
Được cưng nên… tự kỷ
Năm học trước, chỉ sau hai tháng cu Bin vào lớp 1, chị Hạnh (Q.3) đã được cô giáo chủ nhiệm của con gọi điện hỏi thăm… tới ba lần. Lần đầu, cô giáo hỏi thăm chị về sinh hoạt, tính tình của cu Bin như thế nào, có đi học mẫu giáo không mà khi vào lớp 1 “ngang ngược” đến thế. Lần thứ hai, cô giáo nhắc khéo chị phải nghiêm khắc hơn với con. Đến lần thứ ba thì cô giáo rụt rè đề nghị chị đưa cu Bin tới bệnh viện khám. Vì “Em Tùng Lâm (tên khai sinh của cu Bin) có nhiều biểu hiện giống trẻ tự kỷ”, cô giáo nói.
“Nghe cô giáo nói vậy, tôi giận vô cùng. Trước đây, khi bé còn học mầm non, cô giáo của bé cũng nói vậy. Lúc đó, tôi đã trách cô giáo sao lại rủa con tôi. Nhưng lần này, tuy giận cô nhưng tôi vẫn lên mạng tìm hiểu về bệnh tự kỷ. Theo đó, tôi đã phát hiện ra con mình có nhiều biểu hiện giống trẻ tự kỷ. Chẳng hạn như gọi không bao giờ thưa, thích làm gì thì làm, không thích kết bạn với ai. Thế là tôi giấu chồng đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Khi nghe bác sĩ nói cháu bình thường, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân”, chị Hạnh kể lại.
Tuy cu Bin không mắc bệnh tự kỷ nhưng mắc “bệnh” con cưng. Ở nhà, cu Bin giống như “ông trời con”, không ai dám la mắng hay đánh đòn bé. Vì thế, khi tới trường, cu Bin chẳng coi ai ra gì. Luôn “quăng cục lơ” với cô giáo và cô bảo mẫu…
Cô Trần Lê Diệu Huyền, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3), cho biết năm 2008, lớp Chồi (4 tuổi) của cô có một bé chuyển vào – đó là bé T.Ng. Vốn là tiểu thư con nhà giàu nên bé T.Ng cũng mắc chứng “tự kỷ”. Theo lời kể của gia đình, năm 3 tuổi, bé học ở trường mầm non quốc tế nên chỉ thích nói hai chữ “yes” và “no”. Bé T.Ng luôn luôn cho mình là số 1 và bắt mọi người phải làm theo ý mình. Từ cô giúp việc cho đến ba mẹ và ông bà, ai cũng bị T.Ng “bắt nạt”. Đã vậy, khi học ở trường quốc tế, bé lại được tự do phát triển cái tôi nên chứng “tự kỷ” càng nặng hơn. Sợ “mất con”, gia đình vội chuyển T.Ng về trường công lập học. Và phải mất một thời gian dài, bằng nhiều biện pháp, cô Diệu Huyền mới “trị” hết bệnh “tự kỷ” cho T.Ng…
Phải nghiêm khắc
Nếu nói giáo viên “sợ” học sinh, có lẽ là không ngoa. Bởi, như một giáo viên nói: “Học sinh bây giờ toàn là con cầu, con khẩn nên được cha mẹ cưng lắm. Cô giáo chỉ cần nặng lời là về nhà mách mẹ bị cô giáo đánh. Những phụ huynh biết thông cảm thì gặp cô giáo hỏi rõ, phụ huynh nóng tính thì trách móc giáo viên. Thậm chí có phụ huynh còn kiện cáo là giáo viên bạo hành học sinh…”.
Cũng chính vì giáo viên “sợ” học sinh nên nhiều em đã quậy càng quậy hơn. Các em cố tình “tự kỷ” để “bắt nạt” giáo viên.
Mới đây, một học sinh lớp 2 của một trường tiểu học ở Q.1 đã nhét rất nhiều giấy vào bồn cầu nhà vệ sinh gây nghẹt nước. Cô giáo chủ nhiệm báo với phụ huynh, tưởng về nhà phụ huynh sẽ giáo dục con. Ai dè, ngày hôm sau, cậu học sinh này còn rủ thêm một bạn trong lớp cùng tham gia trò nhét giấy vào bồn cầu nhà vệ sinh. Đến lúc này, cô giáo chủ nhiệm đành phải “cầu cứu” ban giám hiệu nhà trường. Khi lên phòng ban giám hiệu, cậu bé vẫn “không biết sợ là gì”. Mãi đến khi cô hiệu trưởng quát lên: “Con có muốn học nữa không, sao lại phá vậy?”, lúc đó, cậu bé mới rơm rớm nước mắt xin lỗi cô hiệu trưởng…
Cô Phan Thúy Trang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp) – kể lại: “Hôm chào cờ đầu tuần, tất cả các học sinh trong trường đều xếp hàng ngay ngắn theo lớp. Riêng một em thì cứ đi nghênh ngang bên ngoài. Lúc đó, tôi gọi lại nhưng em này cố tình không nghe. Tôi gọi lần thứ 2, em cũng không quay đầu lại. Lúc đó, tôi đi về phía em và dùng thái độ nghiêm khắc, em mới chịu nghe lời. Với những học sinh như thế này nếu giáo viên không nghiêm khắc thì rất dễ bị các em “bắt nạt”…”.
Kim Anh
Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cho biết: “Nhiều học sinh bây giờ nghịch lắm, có em vào nhà vệ sinh khóa trái cửa lại rồi chui qua kẽ hở giữa cửa và nền nhà ra ngoài. Nhân viên vệ sinh mở cửa không được, lo lắng không biết có chuyện gì xảy ra với học sinh không. Đến khi mở được cửa thì không thấy em nào. Cũng có em không chịu đi học, nói dối ba mẹ là đi học sợ cô giáo đánh. Vì vậy, không chỉ giáo viên chủ nhiệm, chuyên viên tâm lý, ban giám hiệu mà phụ huynh cũng phải hợp tác để giáo dục các em”. |
Bình luận (0)