Một buổi học tiếng Anh tại Học viện Yola
|
Một trong những cửa ải quan trọng cho kế hoạch đi du học chính là tấm visa học sinh (HS) (student visa). Không ít bạn trẻ đã trải qua kinh nghiệm căng thẳng khi đi phỏng vấn hoặc chờ đợi kết quả xin visa, cũng không ít người buồn phiền vì 5 lần 7 lượt xin visa đều bị từ chối.
Ông Nguyễn Trọng Tường, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn tiếp thị quốc tế (CMI Việt Nam), cho biết: Hầu hết các quốc gia đều có đòi hỏi gần giống nhau để chấp thuận đơn xin visa du học. Cụ thể: Thứ nhất, người xin visa (sau đây gọi là ứng viên) phải có giấy tuyển sinh do một tổ chức giáo dục/đào tạo sở tại được phép tuyển HS nước ngoài cấp. Mỗi quốc gia đều ấn định cấp phép tuyển HS nước ngoài cho các trường học của họ. Thứ hai, ứng viên phải chứng minh có đủ trình độ theo học bằng các bằng cấp, học bạ, bảng điểm liên quan đến môn học, bậc học. Có quốc gia đòi hỏi chứng minh bằng cấp ngôn ngữ tối thiểu để được cấp visa (như Anh, Úc, Pháp) hoặc đòi hỏi chứng nhận khả năng ngôn ngữ của họ ở một bậc nào đó. Một số quốc gia như Mỹ, Canada, Singapore, New Zealand không đòi hỏi về điều khoản này. Thứ ba, ứng viên phải chứng minh có đầy đủ tài chính trang trải việc ăn ở, học tập cho một khoảng thời gian trong kế hoạch du học của mình tùy theo đòi hỏi của quốc gia liên hệ. Cha mẹ, thân nhân có thể làm bảo trợ với các chứng minh về công việc, doanh thu, tiền tiết kiệm hoặc cá biệt có quốc gia chấp nhận dùng bảo lãnh của ngân hàng làm chứng minh tài chính du học. Cuối cùng, ứng viên phải không từng vi phạm Luật Visa của quốc gia xin chiếu khán như nhập cư bất hợp pháp, quá hạn visa, khai báo gian dối. Có quốc gia đòi hỏi phải nộp lý lịch tư pháp (chứng minh không can án) ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hồ sơ xin visa của các quốc gia cũng đòi hỏi việc khám sức khỏe và bệnh phổi thường là lí do gây trở ngại cho việc xin visa.
Ông Tường cho biết thêm, khi làm thủ tục visa, ứng viên nên hiểu thật rõ những đòi hỏi, bằng chứng, hồ sơ cần thiết cho diện xin visa của mình. Phải hiểu rõ các đề mục, câu hỏi trong đơn xin visa để điền vào một cách chính xác. Khi dự phỏng vấn phải chuẩn bị những câu trả lời phù hợp cho trường hợp visa của mình. Ứng viên cũng cần lưu ý về sự chính xác, chân thực của các lời khai trong hồ sơ khi nộp xin visa, các bản dịch theo ngôn ngữ nước sở tại. Những ứng viên có sẵn bằng cấp tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, Cambridge thường được đánh giá cao về ý định nghiêm túc cho việc chuẩn bị du học. Nhiều phòng visa có thể có thêm quy trình xác minh hồ sơ với cơ quan liên hệ ở Việt Nam. Các hồ sơ nên được sắp xếp hoàn chỉnh, thứ tự từ đơn xin visa, giấy tuyển sinh, biên lai đóng tiền cọc, chứng minh tài chính, học vụ, sơ yếu lý lịch, lý lịch tư pháp ở Việt Nam và các giấy tờ theo yêu cầu của quốc gia xin cấp visa để tiện cho bộ phận phòng hồ sơ dễ kiểm tra.
Ông Tường nhấn mạnh, điều đặc biệt mà các ứng viên cần lưu ý trong hồ sơ cũng như lúc phỏng vấn là phải nói thật về những hồ sơ xin visa đã làm trước đó dù bị từ chối, hoặc các chi tiết về thân nhân ở quốc gia đó. Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử của cơ quan di trú sẽ nhanh chóng truy tìm dữ liệu và nếu phát hiện ra trường hợp nói trên, ứng viên sẽ bị từ chối cấp visa. Đây là việc bị coi là gian dối và điều này sẽ cản trở việc xin cấp visa sau này tại quốc gia đã liên hệ. New Zealand thường từ chối hồ sơ có học bạ ở Việt Nam với kết quả các môn chính dưới trung bình ở bậc trung học hoặc ĐH-CĐ.
Bài, ảnh: Tường Vy
Thông thường thời gian xét visa tùy theo quy định của từng quốc gia. Dù hầu hết các quốc gia đều thông báo thời gian xét là 3 tháng nhưng thông thường chỉ từ 4-8 tuần lễ. Riêng Mỹ sẽ quyết định chấp thuận hay từ chối visa ngay trong ngày phỏng vấn. Nếu được lựa chọn, ứng viên sẽ được cấp visa đi Mỹ chỉ sau vài ngày phỏng vấn. |
Bình luận (0)