Cứ mười sinh viên (SV) được hỏi thì bốn SV nói không muốn học những môn học đại cương trong chương trình ĐH nếu được lựa chọn.
Phải chăng SV đang thờ ơ với những môn học được xem là nền móng này?
Tân sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM trong một buổi học đại cương sáng 20-9 -Ảnh: Như Hùng |
Để tìm hiểu thực tế việc học đại cương của SV, chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát trên 400 SV ở một số trường ĐH.
SV than, giảng viên cũng than!
"Những môn học đại cương được ví như nền móng của một ngôi nhà. Móng có chắc thì nhà mới vững được. Các doanh nghiệp ngày nay khi tuyển người thường ưu tiên kiến thức nền tốt để đào tạo thêm"
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
|
Với câu hỏi “Nếu được lựa chọn, bạn có học các môn đại cương trong chương trình học hay không?”, có đến 38-54% trả lời “không” (xem bảng). Nhiều bạn cho rằng những môn học này nhàm chán, tốn thời gian, công sức, tiền bạc và “chỉ học cho qua”.
Một SV viết: “Những môn học đại cương rất ít phục vụ các môn chuyên ngành và ngành nghề sau này. Giảng viên dạy rất chán. Bài giảng phải chạy đua với lượng kiến thức rất lớn nên khó tiếp thu, học xong không còn nhớ gì hết”. Nhiều SV xác nhận ở lớp hầu như SV ít học mà chỉ… ngủ.
Trong bảng khảo sát, nhiều SV đề xuất bỏ bớt những môn học không cần thiết để tập trung thời gian cho chuyên ngành. Bên cạnh đó, nhiều bạn khác cũng cho rằng cần tạo hứng thú, sinh động, tăng làm việc nhóm, thuyết trình, giảm đọc – chép… ở những môn học đại cương. Một điểm đáng chú ý trong bảng khảo sát: khoảng 80% SV nhận định việc học đại cương là cần thiết nhưng nếu được lựa chọn sẽ không học.
Một số giảng viên phụ trách những môn học đại cương thừa nhận khối lượng kiến thức của các môn học này quá nhiều. “Có môn học 90 tiết, sau đó gộp cùng một môn học nữa nhưng số tiết vẫn giữ nguyên. Với lượng kiến thức khổng lồ như vậy, giảng viên “chạy” cho hết chương trình cũng đã khó chứ chưa nói đến việc tạo hứng thú cho lớp học” – một giảng viên ta thán.
TS Nguyễn Công Hoan – giảng viên một trường ĐH – thừa nhận phần lớn những môn đại cương lớp rất đông do dồn nhiều lớp, đến chuyên ngành mới tách lớp ra. “Có lớp vài trăm SV. SV kêu ca học khô khan, nhàm chán nhưng lớp quá đông như vậy muốn buổi học sinh động bằng cách làm việc nhóm, thuyết trình… không phải là chuyện đơn giản” – TS Hoan nói.
Dồn vào góc hẹp tri thức
TS Phan Thị Xuân Yên, Trường ĐH Sài Gòn và thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến, Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, SV học những môn chưa thấy liên quan đến chuyên ngành, chưa thấy phục vụ trực tiếp cho công việc sau này thì đều cho là không quan trọng. Ông Tiến phân tích: “Cái nhìn hạn hẹp này của người học bắt nguồn từ suốt những năm phổ thông. Khi đó học sinh chỉ được học toán, lý, hóa, văn, sử, địa… để đi thi ĐH và chỉ biết những môn này. Chính vì vậy, giáo dục phổ thông đã dồn học sinh vào góc hẹp của tri thức. Các em không hình dung được công việc của mình sau này cần những kiến thức liên quan nào”.
GS Bành Tiến Long – nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT – nhận định vai trò của người thầy rất quan trọng khi làm cho SV thấy được lợi ích của việc học những môn đại cương và hậu quả nếu không học. Theo GS Long: “Môn học đại cương cũng phải có ngoại khóa, có giao lưu xã hội, tổ chức tham quan, ngành kỹ thuật phải có thực nghiệm, bài giảng có video minh họa. Thầy phải đặt ra các bài tập tình huống và gợi mở cho SV tìm hiểu, giải đáp. Nói cách khác, thầy là người thiết kế cái khung, còn SV là người thi công chi tiết bài giảng trên khung đó. Như thế giờ học mới sinh động được”.
Hướng đến “giáo dục tổng quát”
Theo GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM), nước ta gọi “giáo dục đại cương” trong khi các nước dùng cụm từ “giáo dục tổng quát” (general education). Nội dung của giáo dục tổng quát thường bao gồm: kỹ năng nhận thức và năng lực/kỹ năng xã hội (thu thập dữ liệu, quan sát và phân tích, giải quyết vấn đề, thích nghi với môi trường mới, quan hệ xã hội…); những nội dung liên quan đến luân lý, phẩm hạnh, đạo đức; những hiểu biết chung về triết học, kinh tế học, luật học, về nhà nước, thiết chế, về lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật…
GS Phụ phân tích: “Giai đoạn đại cương trong giáo dục ĐH ở nước ta, SV sẽ học hai nhóm kiến thức. Thứ nhất là nhóm khoa học cơ bản. Đây là những môn cơ sở để học lên chuyên môn. SV thường nghĩ chỉ học sâu chuyên môn là tốt chứ không quan tâm những môn học này. Thế nhưng, học kết cấu một cái cầu phải cần kiến thức của môn sức bền vật liệu và cơ kết cấu. Hai môn này phải dựa vào môn toán. Do đó, những môn cơ bản hết sức cần thiết. SV có vững chuyên môn hay không thì tùy thuộc vào những môn này. Thứ hai là những môn như chủ nghĩa xã hội khoa học, triết học… Một số môn học ở nhóm này bị chính trị hóa. SV kêu ca nhất ở chương trình đại cương là ở những môn học này”. GS Phạm Phụ cho rằng giáo dục ĐH nên hướng đến giáo dục tổng quát trước khi vào chuyên ngành để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Một số kết quả khảo sát
Trường
|
Theo bạn, việc học đại cương có cần thiết không?
|
Nếu được lựa chọn, bạn có chọn học những môn đại cương hay không?
|
||
Cần thiết
|
Không cần thiết
|
Có
|
Không
|
|
ÐH Khoa học xã hội và nhân văn (ÐH Quốc gia TP.HCM)
|
80%
|
20%
|
60,7%
|
39,3%
|
ÐH Khoa học tự nhiên (ÐH Quốc gia TP.HCM)
|
84,2%
|
15,8%
|
50,5%
|
49,5%
|
ÐH Tài chính – marketing
|
83,7%
|
16,3%
|
61,6%
|
38,4%
|
ÐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM
|
72,7%
|
27,3%
|
46%
|
54%
|
HÀ BÌNH (TTO)
Bình luận (0)