Là người luôn có ý chí học tập nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bà Đào Thị Thư (SN 1956, quận 8, TP.HCM) phải dừng việc học giữa chừng. Đến nay, khi các con đã có cuộc sống ổn định, gánh nặng kinh tế gia đình đã không còn bà quyết định trở lại trường học để theo đuổi đam mê âm nhạc. Bà được xem là tấm gương về học tập suốt đời, được nhiều bạn trẻ nể phục, quý mến.
Bà Đào Thị Thư những ngày đầu nhập học tại Trường ĐH Văn Hiến
Tân sinh viên U70
Bà Thư là một thí sinh đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm nay của Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Bà đã có 4 người con và 7 đứa cháu ngoại. Mới đây, bà đã vượt qua kỳ thi năng khiếu và đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Piano, Trường ĐH Văn Hiến. Ở tuổi 63, những buổi đầu nhập trường làm thủ tục, bà vẫn mang những cảm xúc nôn nao khó tả khi được sống lại với niềm đam mê thuở trẻ. Chạm tay vào những phím đàn, bà Thư không khỏi xúc động nhớ lại: “Trước khi đi nộp hồ sơ các con tôi đã bảo rằng thi vào ngành Piano rất khó. Tôi không biết trình độ của mình có vào được ngành này hay không. Mấy tháng trước, con gái và đứa cháu ngoại của tôi phải luôn hướng dẫn, hỗ trợ tôi chọn bài, luyện cách đánh đàn để tôi đi thi. Ngày biết tin tôi thi đậu, con gái, cháu ngoại… còn vui hơn cả mẹ/bà”.
Bà Thư kể, hồi trước, bởi quan niệm con gái không cần đi học nhiều nên ít người cho con đi học. Gia đình bà là một trong những gia đình đặc biệt hiếm hoi cho con gái đi học cao. Thời trẻ bà đã có ước mơ về âm nhạc, đặc biệt là Piano nhưng thời đó chỉ những gia đình “trâm anh thế phiệt”, hoặc thật giàu có mới theo học được. Biết cha mẹ không đủ điều kiện, bà chọn thi vào tú tài và thi đỗ ở hạng ưu. Thế nhưng, sau 1 năm học tại Trường ĐH Khoa học, bà phải gác lại ước mơ tri thức vì gia đình khó khăn. Không lâu sau, bà Thư lập gia đình, 4 đứa con cũng lần lượt ra đời. Bị gánh nặng kinh tế bủa vây, bà tạm để ước mơ học tập “xếp xó”.
Ở tuổi 63, bà Thư (thứ 3 từ phải sang) vui vầy bên các con và cháu ngoại và vẫn tiếp tục đi học
Năm 2007, khi con cái đều đã trưởng thành, bà quyết định quay lại trường học thực hiện ước mơ của mình. Để thực hiện ước mơ, bà Thư bắt đầu bằng việc ôn luyện 3 năm tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Kết thúc 3 năm học, bà đạt điểm TOEIC mức 600. Không chỉ học tiếng Anh, bà học cả tiếng Pháp. Bà Thư được ví là người phụ nữ vừa đảm đang, tháo vát từ chuyện gia đình, giỏi kinh doanh, nuôi dạy con khéo léo và là người phụ nữ luôn theo đuổi tri thức. “Những năm đi học lại, tôi học cùng các bạn nhỏ cũng không thấy mắc cỡ gì cả vì tính cách của tôi cũng hòa đồng và tân thời. Nhiều bạn cùng lớp không nghĩ rằng tôi quá lớn tuổi như vậy. Mỗi lần thi học kỳ nhà trường dán tờ giấy số báo danh, tên, ngày tháng năm sinh trước phòng thi. Nhiều bạn chạy vào bảo rằng văn phòng đánh sai năm sinh của chị rồi kìa, lúc đó tôi chỉ cười thôi chứ không biết nói gì cả, vì không ai nghĩ tôi lớn tuổi vậy mà vẫn đi học”, bà Thư cười tươi kể.
Tấm gương học tập suốt đời
Không dừng lại ở đó, đến năm 2011, bà Thư tiếp tục dự thi ĐH từ xa của Trường ĐH Hà Nội. Năm 2016, bà tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân. Kể về quyết định dự thi vào ngành Piano của Trường ĐH Văn Hiến, bà chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc, thế nhưng hoàn cảnh nghèo khó khiến tôi không dám mơ ước được chạm tay vào phím đàn. Khi các con dần lớn lên, ngoài cho các con học văn hóa, tôi cũng quyết tâm cho các con học đàn, bắt đầu từ đàn Organ. Sau này, con cái lớn lên và có gia đình riêng nên để lại cây đàn ở nhà. Từ đó tôi đã bắt đầu đi học đàn để tự mình chơi đàn. Tôi học 1 năm rồi về nhà tự luyện và đánh đàn luôn. Sau đó, thấy cháu ngoại chơi Piano tôi lại nhớ lại ước mơ thuở trẻ. Thấy mình không còn vướng bận gì, tôi quyết tâm đi học. Tôi từng đi học tại trung tâm một thời gian nhưng kỹ thuật quá khó. Vừa qua, thấy ĐH Văn Hiến cho học viên trên 61 tuổi học miễn phí nên tôi đăng ký theo học cho bài bản”.
Ngày nhận kết quả thi đỗ vào ngành Piano trên tay, bà Thư vừa mừng vừa lo. Mừng bởi ước mơ đã thực hiện được, tuy nhiên điều bà lo lắng là tuổi đời không còn trẻ, trong khi đó kỹ thuật chơi đàn Piano lại không đơn giản. Được biết, hiện nay bà đang là giáo viên hợp đồng dạy đàn Organ tại một số trường mầm non và dạy tiếng Anh ở 2 trường tiểu học tại TP.HCM. Thế nhưng bằng nỗi niềm đam mê, bà khẳng định sẽ sắp xếp mọi công việc ổn thỏa và tiếp tục nỗ lực hết sức mình để “nối dài” ước mơ.
Những ngày nhập trường làm thủ tục nhập học, bà Thư đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với giảng viên, cũng như những bạn trẻ sinh viên cùng lớp. Giảng viên Trần Mai Hồng (Khoa Nghệ thuật, ĐH Văn Hiến) – chia sẻ: “Đối với lĩnh vực nghệ thuật, người học có tuổi càng cao khả năng tiếp thu không thể bằng các bạn trẻ nhưng sẽ bù đắp lại bằng sự chăm chỉ, cần mẫn. Với những đam mê của mình, cô Thư rất chịu khó tập luyện cũng như tiếp thu những hướng dẫn của giáo viên và cố gắng thực hiện đủ những hướng dẫn đó”. Ông Huỳnh Hoàng Cư – Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường ĐH Văn Hiến – chia sẻ thêm: “Đặc biệt đối với nghệ thuật là ngành tương đối khó. Người lớn tuổi, độ nhanh nhạy với nghệ thuật có hạn chế. Do đó, có thể nói bà Thư cũng là một tấm gương tích cực, đồng thời cũng là một thông điệp cho giới trẻ về sự ham học hỏi, học tập suốt đời…”.
Bài, ảnh: Nhã Nam
Bình luận (0)