Mỗi ngày đi học về con đều than thở, kể lể về cô giáo chủ nhiệm. Nào là “cô không dễ thương, dịu dàng như cô N. dạy con hồi lớp 2. Cô hay la mắng các bạn, giọng cô chát chúa đến chói tai.
Nào là cô rất hay xé tập của học sinh, không chỉ các bạn mà chính con cũng bị cô xé tập mấy lần…
Mỗi lần xé tập cô lại mắng cả lớp: “Cứ cái đà này, phòng giáo dục mà xuống chấm thi “Vở sạch chữ đẹp” thì các cô các cậu lớp này rớt đầu tiên”. Con không thích cô chút nào, vì cô không thương tụi con thật lòng…”. “Mới hôm qua, cô mới la tụi con xong, bắt nhóm tụi con phải giúp bạn H. trong học tập. Vậy mà khi mẹ bạn H. đến đón, cô cười khen bạn H. với mẹ bạn ấy đấy” . Tôi bảo: “Thì cô nói như vậy để mẹ bạn H. an lòng, không phải quá lo lắng về bạn H.”. “Không phải đâu, vì nhà bạn H. rất giàu”.
Tôi xin gặp cô giáo chủ nhiệm và góp ý với cô vài điều, nhất là chuyện xé tập của học sinh. Ngay hôm sau cô cho cả lớp “Viết những suy nghĩ, cảm nhận của em về cô giáo chủ nhiệm”. Đợt họp phụ huynh kế tiếp, cô đưa cho phụ huynh xem bài viết của con mình về cô với lời nhắn nhủ: “Tôi làm tất cả vì học trò. Và các em luôn ủng hộ tôi. Mong phụ huynh hãy hiểu cho”.
Còn chưa hết bàng hoàng về cách làm của cô giáo, tôi đã gặp một bất ngờ khác… Bài viết của con trai tôi không có một câu nào nói về tình trạng của cô như đã kể với mẹ. Cháu khen cô giáo “có giọng nói như chim hót. Mỗi lần cô giảng bài là chúng em chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Cô rất dịu dàng với chúng em, quan tâm rất kỹ đến mọi hoạt động của chúng em… Cô như một người mẹ hiền ở trường tiểu học…”.
Đọc bài viết của con trai mà tôi… thấy lạnh hết sống lưng (cảm giác thật sự của tôi đấy). Tối hôm đó, tôi lựa lời hỏi cháu. Anh chàng trả lời tỉnh bơ: “Thì con phải viết như thế để yên ổn học hết năm lớp 3 này chứ. Con mà viết như những gì con nói với mẹ thì chắc cô cho con ở lại lớp quá”.
Một đứa bé 8 tuổi đã biết phải nói dối để được lợi cho bản thân mình. Tôi thật sự bối rối…
Theo Cẩm Vũ
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)