HS Trường THPT Trưng Vương trong phần trò chơi rèn luyện kỹ năng sống
|
Vừa qua, hơn 2.000 học sinh (HS) Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) đã học hỏi được những “bí kíp” giúp phát huy tính tự tin, sự sáng tạo trong học tập cũng như trong đời sống từ các chuyên viên tư vấn trong chương trình tư vấn học đường, chủ đề “Định hướng phong cách – Vững bước tự tin” do Báo Giáo Dục TP.HCM, chuyên đề VTM số cuối tuần tổ chức.
Không để sự tự ti lớn dần
Thoạt đầu, nhiều em HS đã rất ngạc nhiên khi được ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) mở đầu bằng câu hỏi: “Các em thấy mình đã tự tin chưa?”. Nhiều cánh tay đã giơ lên nhưng cũng có không ít HS tỏ ra rụt rè, chưa dám giơ tay để khẳng định sự tự tin của chính mình. ThS. Hiếu cho rằng, sự tự ti đôi khi được hình thành từ những nguyên nhân không thực tế. Rất nhiều em tự ti về ngoại hình của mình không đủ “chuẩn”, không thu hút người đối diện như chiều cao hạn chế, thừa cân hay tự ti về một số khuyết điểm rất nhỏ trên cơ thể… Để khắc phục nhược điểm này, ThS. Hiếu khuyên các em HS không nên trốn tránh và biến những nhược điểm hoặc ưu điểm của mình thành những điều mà người khác không có. “Có câu chuyện kể về chàng trai người Úc sinh ra bị dị tật không có tay chân tên là Nick Vujicic. Tất cả hoạt động của anh đều thực hiện nhờ một chân nhỏ bên trái. Tuy vậy, anh vẫn đá bóng, bơi lội, đánh máy, viết chữ… và thậm chí còn lấy được bằng cử nhân thương mại chuyên ngành kế hoạch tài chính và kế toán. Những bài diễn thuyết của anh luôn mang đến niềm tin và hi vọng cho các bạn trẻ trên khắp thế giới. Cách đây không lâu, một cô gái cảm phục sự quyết tâm không mệt mỏi đó đã quyết định kết hôn với chàng trai này. Nếu xét theo những tiêu chuẩn về ngoại hình thì chàng trai này là một con số 0 tròn trĩnh. Nhưng bằng nghị lực, chàng trai đã khiến cả thế giới biết đến mình với một tấm lòng trân trọng chứ không phải bằng cái nhìn ái ngại như các em vẫn nghĩ”, ThS. Hiếu khẳng định.
Ngoài ra, ThS. Hiếu cũng chỉ ra những nỗi sợ hãi vô hình, vô lý như ngại đứng trước đám đông, không dám giơ tay hỏi thầy cô khi không hiểu bài, sợ những động vật nhỏ… khiến cho bản thân cá nhân trở nên rụt rè, không dám thể hiện chính kiến, quan điểm của mình với người khác. Và để khắc phục nhược điểm này thì không có cách nào khác ngoài việc tự bản thân người đó phải vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Tuy nhiên, ThS. Hiếu cũng lưu ý các em HS không nên nhầm lẫn giữa tự tin với tự cao. Sự tự tin chỉ có giá trị khi nó được thể hiện đúng nơi, đúng lúc. Tự tin thái quá sẽ trở thành tự cao hoặc thành trò cười cho người khác.
Khỏe để học tốt
Đang tuổi ăn, tuổi lớn nên phần talk show với bác sĩ Trương Trọng Hoàng – Phó trưởng bộ môn khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã đem lại cho các em HS những lời khuyên thiết thực về chế độ dinh dưỡng cũng như các hoạt động đảm bảo sức khỏe. Khi những thói quen xấu gây nên các chứng bệnh ảnh hưởng đến vóc dáng như lưng gù, vẹo cột sống, cận thị được đem ra “mổ xẻ”, không ít HS đã giật mình bởi chính các em cũng đang vô tình phá hỏng “tướng tá” của mình khi tư thế ngồi, đi đứng không đúng cách. “Cơ thể các em giống như một tòa nhà đang xây, mọi hoạt động của các em bây giờ sẽ quyết định vóc dáng của các em sau này. Do đó, chúng ta cần phải kịp thời chỉnh sửa, uốn nắn hành vi, tư thế để không phải hối tiếc về sau”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh. Không chỉ thế, bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo các em HS nữ không nên đi giày cao gót quá nhiều để tránh những tổn hại cho bàn chân; HS nam cũng hạn chế sử dụng giày bít mũi vì đây là giai đoạn hormone tiết ra các loại mồ hôi hôi, dẫn đến tình trạng chân bốc mùi, gây khó chịu cho bản thân và người khác.
Trong chương trình, các em HS còn được tham gia trò chơi “vận động” với những game kỹ năng sống thú vị với sự hướng dẫn của ThS. Nông Vương Phi, Chuyên viên tư vấn kỹ năng sống. Từ việc phải chọn cho mình một đôi giày vừa chân, vừa ý trong khoảng thời gian một phút, các em HS đã khám phá ra những thông điệp ý nghĩa: Khi mang một đôi giày không vừa chân, mình có cảm giác rất khó chịu, không muốn mang và không muốn bước đi với đôi giày như thế. Tương tự, nếu chọn cho mình một con đường không phù hợp với bản thân, mình cũng sẽ không đủ tự tin và khả năng để đi hết con đường ấy đến suốt cuộc đời, thậm chí phải bỏ dở để chọn lại con đường khác.
Bài, ảnh: Tường Vy
“Các em không nên nhầm lẫn giữa tự tin với tự cao. Sự tự tin chỉ có giá trị khi nó được thể hiện đúng nơi, đúng lúc. Tự tin thái quá sẽ trở thành tự cao hoặc thành trò cười cho người khác”, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu lưu ý. |
Bình luận (0)