Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nghề bếp được “săn đón”

Tạp Chí Giáo Dục

Học nghề bếp có cơ hội việc làm rất cao nhưng nhiều người vẫn ngại vì cho rằng nghề này không sang, lấm lem dầu mỡ…

Do tính cạnh tranh cao, các chủ nhà hàng, khách sạn và dịch vụ du lịch thường xuyên “săn” những đầu bếp chuyên nghiệp. Nghề bếp trở nên “hot” bởi nhu cầu tuyển dụng dồi dào trong điều kiện nguồn cung ứng còn hạn chế.
Nếu chịu khó đầu tư, nghề bếp sẽ giúp “hái ra tiền” và tạo được danh tiếng. Thế nhưng nhiều người còn e ngại ngành học này vì cho rằng nó không… sang!
Vị thế tốt
Ông Chiêm Thành Long (Giám đốc Làng du lịch Bình Quới) nhận định, nghề bếp hiện có chỗ đứng rất tốt ở nước ta và ngày càng phát triển, nhất là ở những khu vực trung tâm hoặc vùng du lịch nổi tiếng. Cả nước có khoảng gần 9.000 khách sạn, chưa kể các nhà hàng lớn nhỏ khác cho thấy nhu cầu về nghề bếp rất lớn. Bà Phạm Thị Thanh Phương (Khoa Văn hóa du lịch Trường ĐH Sài Gòn) cũng cho rằng, hiện nay trong khi rất nhiều học viên, sinh viên các ngành nghề ra trường không kiếm được việc do nhu cầu thực tế đã bão hòa thì nghề bếp vẫn còn khá dồi dào vị trí tuyển dụng. Ngay cả những nhân viên chưa “lành nghề” vẫn được nhiều đơn vị tuyển về để đào tạo thêm. Ngoài ra, những năm gần đây, nhu cầu xuất khẩu lao động nghề bếp cũng tăng. Không ít kiều bào ta mở quán ăn Việt tại nước ngoài cũng có nhu cầu thuê đầu bếp Việt sang làm việc.
Thế nhưng, Việt Nam không có thế mạnh về nghề bếp, bằng chứng là các nhà hàng lớn phải thuê đầu bếp nước ngoài ngay cả trong việc nấu món… Việt. Tại TP.HCM, các trung tâm dịch vụ việc làm như Thanh niên, Tri thức hàng tuần tuyển trung bình từ 10 đến 20 đầu bếp/đơn vị nhưng chỉ nhận được rải rác 1 đến 2 hồ sơ. Có khi tin tuyển dụng “treo” cả tháng mà không có ứng viên. Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Tri thức (TP.HCM), hồ sơ xin việc đầu bếp chưa bao giờ bị ứ đọng và khách hàng phải đặt hàng nhiều tháng từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng đến đầu bếp xuất khẩu nước ngoài.
Mặc dù có đào tạo, nhưng lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực này chưa đáp ứng nổi nhu cầu thực tế của nghề bếp. TP.Đà Nẵng là một điển hình của việc thiếu hụt trầm trọng nhân lực ngành du lịch, nhất là nghề bếp vì cả miền Trung chưa có trường đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Hay như khu vực miền núi và trung du Bắc bộ, nơi phong phú về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vùng miền nhưng nhiều nhà hàng khách sạn chưa có nhân viên lành nghề, và phần lớn vẫn phục vụ theo cung cách sơ sài. TP.HCM có nhiều trường ĐH, CĐ, CĐ nghề, TCCN đào tạo nghề bếp, mỗi năm xấp xỉ 500 sinh viên tốt nghiệp nhưng cũng vẫn chưa cung ứng đủ.
“Hái ra tiền”
Trong khi đó, các đầu bếp trẻ có rất nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập tăng nhanh theo mỗi tháng, quý… Riêng đầu bếp giỏi được “chăm sóc” rất chu đáo từ phụ cấp, lương, thưởng và hoa hồng theo doanh số cả năm. Có nơi, mức thưởng mỗi năm trên 10 tháng lương/người. Nhiều nơi, đầu bếp được cung phụng bởi doanh thu của một nhà hàng phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của bếp chính. Hiện, mức lương khởi điểm của đầu bếp là 3 triệu đồng/người/tháng; lương chính thức sẽ tăng lên. Đầu bếp giỏi thu nhập tối thiểu mỗi tháng có thể đạt mức từ 10 đến 20 triệu đồng.
Thực tế, nhiều bạn trẻ vẫn còn ngại dầu mỡ, chê ngành này không… sang và phải chịu “gò” vào một số điều kiện khắt khe khác. Anh Hồ Văn Ngọc (cựu sinh viên nghề bếp tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) hiện đang làm bếp chính cho một nhà hàng tại quận 2 chia sẻ, để đáp ứng công việc, anh đã mất đến 3 tháng cai thuốc lá vì nó khiến vị giác không còn “sạch”, khó kiểm tra nêm nếm thức ăn. Đầu bếp làm việc theo ca và tăng cường vào những ngày lễ Tết. Điều này gây áp lực lớn cho đầu bếp. Những người chọn nghề bếp đôi khi cũng dễ chán nản do thời gian đầu hay bị khách… mắng vốn. Cũng có một số trường hợp bỏ nghề do thường phải làm việc ca đêm, cường độ lao động cao vào những mùa lễ Tết. 
“Nếu đào tạo bài bản và chất lượng thì đầu bếp Việt sẽ thay thế dần các đầu bếp nước ngoài tại các khách sạn hạng sang” – Bà Phạm Thị Thanh Phương đặt vấn đề. Quan trọng, việc đào tạo bài bản sẽ giúp giải quyết nhu cầu nhân lực nghề bếp hiện xã hội đang rất thiếu. Thực tế, gần 20 năm nay, nguồn nhân lực nghề bếp được đào tạo và trưởng thành từ truyền nghề là chủ yếu. Phương thức này tạo ra rất nhiều đầu bếp tay nghề cao, chuẩn hóa các món ăn truyền thống nhưng lại hạn chế kiến thức liên quan như: Bảo quản thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại hóa phẩm phụ gia, liều lượng được phép sử dụng… Bên cạnh đó, một số ít được đào tạo từ các trường nghề thông qua các lớp ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng. Người học được trang bị tương đối đầy đủ kiến thức về nghề bếp, có chứng nhận hành nghề.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Để trở thành đầu bếp, người học cần trang bị đầy đủ các kiến thức về ẩm thực, có khả năng quản lý, tổ chức một bếp ăn. Bên cạnh đó, còn phải đáp ứng một số kỹ năng khác như tổ chức, lập kế hoạch, biết… đi chợ, thương lượng giá cả. Ngoài ra, trang bị tốt ngoại ngữ cũng là yêu cầu hết sức quan trọng. Đây chính là lợi thế để học nhanh và chính xác các món ăn ngoại. Ngoại ngữ tốt cũng giúp đầu bếp có được mức lương hậu hĩnh hơn.
 
Một số trường có đào tạo nghề bếp tại TP.HCM như: ĐH Công nghiệp thực phẩm, ĐH Công nghiệp, ĐH Hồng Bàng, TC Nghề Du lịch và Ngoại ngữ Khôi Việt… Bên cạnh đó, các lớp nấu ăn cũng được thường xuyên mở tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Phụ nữ.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)