Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tony Blair “truyền” kinh nghiệm cho SV ngoại giao Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

Trong vòng một buổi sáng thăm và làm việc tại Hà Nội hôm nay (15/9), cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã dành 45 phút trò chuyện với các sinh viên Học viện Ngoại giao.

Nhà ngoại giao toàn cầu, diễn giả đắt giá nhất hành tinh khiến các sinh viên chào đón như một ngôi sao với sự ngưỡng mộ và yêu quý. Ông khiến các bạn trẻ vô cùng phấn khích khi hứa trả lời mọi câu hỏi.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trò chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao

 Chia sẻ về chủ đề "nóng" là sự trỗi dậy của Trung Quốc, cựu Thủ tướng Anh nhận định đây là điều "không thể tránh khỏi": "Trung Quốc với dân số khổng lồ, sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng với đó là quyền lực chính trị ngày càng lớn".

"Điều quan trọng là thế giới tìm ra cách đúng đắn để hợp tác với Trung Quốc để có được hòa bình và ổn định trong khu vực, để Trung Quốc đóng đúng vai trò trong kinh tế và an ninh toàn cầu", ông Tony Blair nói với các sinh viên ngoại giao Việt Nam.

Xung quanh các xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng, theo cựu Thủ tướng Anh, cần tìm cách giải quyết nhằm đạt được sự ổn định và hòa bình lâu dài.

"Nhìn vào bức tranh lớn, cần có sự hợp tác ở tầm khu vực, các nước cần chia sẻ nhận thức rằng mỗi nước sẽ được lợi như thế nào khi có hòa bình và sẽ tổn hại ra sao nếu có xung đột", ông Blair nói. "Học cách chung sống hòa bình không chỉ là trách nhiệm của một Trung Quốc đang trỗi dậy mà cũng là trách nhiệm của các nước khác trong khu vực".

Sự thay đổi cán cân quyền lực quốc tế ngày càng nghiêng về phương Đông cũng là thách thức về chia sẻ quyền lực một cách hoà bình đối với phương Tây. "Có ba cấp độ để đạt được điều này: đối thoại giữa các lãnh đạo chính trị, tăng cường quan hệ kinh tế và quan trọng không kém là kết nối văn hóa giữa nhân dân các nước", nhà ngoại giao kỳ cựu nói.

Nước Mỹ cũng đang ngày càng tập trung vào khu vực châu Á, vì những lý do rất đơn giản và rõ ràng: Khu vực này đang tăng trưởng mạnh mẽ, ngày càng quan trọng cả về kinh tế và chính trị, ông Tony Blair nhận định.

"Câu hỏi đặt ra là làm sao để việc Mỹ duy trì vai trò ở khu vực và sự trỗi dậy của Trung Quốc không mâu thuẫn với nhau. Điều này không những đòi hỏi Mỹ và Trung Quốc tạo dựng một quan hệ ổn định và hiểu biết lẫn nhau, mà còn đòi hỏi Mỹ hiểu biết sâu sắc về các láng giềng của Trung Quốc, những quốc gia rất quan trọng đối với chính trường khu vực", ông nói.

"Đó cũng là lý do nước Anh của tôi trong những năm gần đây chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên tại khu vực châu Á", cựu Thủ tướng Anh nói. "Những gì đang diễn ra ở Việt Nam là các bạn đang mở cửa, đang cải thiện quan hệ với thế giới, các nước đang nhìn vào Việt Nam với sự quan tâm lớn đối với triển vọng của đất nước các bạn".

Ông Tony Blair không ngần ngại chia sẻ sự lạc quan rằng "Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia quan trọng nhất trên thế giới".

Trong cuộc trao đổi với hàng trăm sinh viên Việt Nam, ông Tony Blair còn chia sẻ suy nghĩ của ông về tương lai của Liên minh châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, sứ mệnh ngoại giao khó khăn của ông ở Trung Đông, những kinh nghiệm để trở thành một diễn giả và một lãnh đạo giỏi.

Ông gửi đến các bạn trẻ một thông điệp: Thế giới đang ngày càng kết nối chặt chẽ, cơ hội để chúng ta làm việc cùng nhau xuyên quốc gia, biên giới là lớn hơn bao giờ hết. Cách những người như các bạn nhìn thế giới là rất quan trọng đối với tương lai của chúng ta. Thế giới ngày nay thuộc về những người có đầu óc cởi mở, nhìn con người từ bất cứ quốc gia, văn hóa nào cũng tràn đầy khả năng và cơ hội, nhìn thấy thế giới đang thay đổi theo hướng nào.

Sau cuộc trò chuyện tại Học viện Ngoại giao, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair gặp và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo Chung Hoàng – Lê Anh Dũng
Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)