Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi không phải quá trình lão hóa bình thường mà là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Hội chứng suy giảm trí nhớ và các lĩnh vực nhận thức khác gây nhiều rối loạn về hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày và chất lượng sống của bệnh nhân, giáo sư Phạm Thắng, chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, cho biết tại hội thảo Sa sút trí tuệ, ngày 17/10.
Thế giới hiện có 50 triệu người bị sa sút trí tuệ, trung bình sau 3 giây lại có một người mắc căn bệnh này. Mỗi năm thế giới thiệt hại về kinh tế do sa sút trí tuệ đến 1.000 tỷ USD. Dự báo đến năm 2050 trên thế giới có 152 triệu người bệnh.
Việt Nam gia nhập các quốc gia già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Hiện tại Việt Nam cứ 10 người thì có một người từ 60 tuổi trở lên. Dự đoán đến năm 2050 cứ 5 người có một người từ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn và điển hình nhất là sa sút trí tuệ.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, 4,6% người cao tuổi tại cộng đồng bị sa sút trí tuệ. Tỷ lệ mắc bệnh nhanh theo độ tuổi, cứ sau mỗi năm tăng gần gấp đôi.
Giáo sư Phạm Thắng cho biết nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này còn nhiều hạn chế, đa phần coi đây là biểu hiện không thể tránh khỏi của tuổi già. Người bệnh không được điều trị và theo dõi đúng đắn, thậm chí bị kỳ thị khiến tình trạng càng trầm trọng.
Ông Gelenn Ress, Chủ tịch hội Alzheimer thế giới, cũng cho biết trong nhiều thế kỷ, sa sút trí tuệ là căn bệnh không được đề cập đến. Song, hiện sa sút trí tuệ trở thành vấn đề cốt lõi về sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi. Căn bệnh này nên được đưa vào các chương trình y tế dự phòng, bên cạnh tim mạch, đái tháo đường và hút thuốc lá.
Nhiều người già đang điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ảnh: Nam Nguyễn.
Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ bệnh Alzheimer, đột quỵ não, Parkinson, lạm dụng nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm… trong thời gian dài. Bệnh thường xuất hiện ở người cao tuổi nhưng không phải quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Triệu chứng tùy vào từng giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể suy giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tính tình, dễ nóng giận và kích động. Giai đoạn trung bình, người bệnh khó khăn trong tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu thông tin mới, rối loạn định hướng về không gian và thời gian. Bệnh nhân có thể gặp hoang tưởng bị ám hại, vô cớ tấn công người khác.
Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng sinh hoạt, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh không nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi hít và loét do tỳ đè.
Bên cạnh sử dụng thuốc để điều trị rối loạn hành vi tâm thần, người bệnh cần chăm sóc đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức để khôi phục và nâng cao chất lượng sống. Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, Parkinson… Tình trạng sa sút trí tuệ có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết viện đã thành lập Đơn vị nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, khoa bệnh Alzheimer, triển khai các chương trình quản lý, hỗ trợ bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Theo Lê Nga/VnExpress
Bình luận (0)