Có người tin sống thật là dại dột khi muốn tồn tại ở môi trường đầy rẫy dối trá, toan tính vụ lợi. Có người ray rứt, đau khổ vì đã trót dối gạt bản thân, không dám sống đúng với điều mình khao khát…
Giáo sư Trần Văn Khê trong buổi nói chuyện chuyên đề “Sống thật với chính mình” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 21-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
“Có nên sống thật và sống thật như thế nào?” là băn khoăn của gần 200 bạn trẻ đến tham dự chương trình “Sống thật với chính mình” sáng 21-10 tại báo Tuổi Trẻ.
“Sống thật với chính mình” là chủ đề thứ 12 nằm trong chuỗi chương trình kỹ năng sống “Hành trang cuộc đời” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tài trợ của nhãn hàng Beme. Chương trình có sự tham gia của các diễn giả: GS Trần Văn Khê, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, MC Thanh Tùng và người mẫu Bảo Trân.
|
Sống thật đồng nghĩa với việc chấp nhận sống… thiệt thòi là nỗi hoang mang chung của đa số bạn trẻ tham dự chương trình. “Ai cũng nói hãy sống thật để đổi lấy sự thanh thản cho lương tâm, nhưng khi sống thật tôi luôn cảm thấy bất an, lo lắng quyền lợi của mình bị xâm hại, mình chịu thiệt thòi” – chị Nguyễn Thị Hạnh (kế toán Công ty TNHH dược phẩm Thiên An) bày tỏ. Nhiều bạn trẻ đồng ý với chị Hạnh rằng “sống trong một môi trường phức tạp mà ai ai cũng giả dối thì… hùa theo số đông cho lành”.
Có nhiều người cho rằng cần giả dối một chút để được sống yên ổn trong một môi trường chẳng mấy ai hoàn toàn thành thật. Nhưng với Nguyễn Hà Trang (HS lớp 10 Trường THPT Gia định), sống khác với bản chất của mình khiến em đau khổ.
“Em từng nói nhiều, vui vẻ hay nhiệt tình thái quá với mọi người. Các bạn cho rằng em giả dối. Em muốn được mọi người yêu quý nên ráng tập thay đổi theo ý họ. Em khép lòng lại, ít nói hơn. Rồi em tự ti, đau khổ vì giờ đây em không còn là mình nữa” – Trang nói qua làn nước mắt.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, bạn trẻ nên lắng nghe và đối chiếu thực tế khi nhận lời khuyên từ nhiều người về một vấn đề. Nhưng các bạn nên sàng lọc lời khuyên để vừa hòa hợp với cộng đồng vừa được sống đúng bản chất.
Bà Ngọc Giàu cho biết trước đây bà từng có cơ hội tốt trong công việc ở TP.HCM. Tuy nhiên, bà đã bỏ phố lên rừng Đắk Nông làm tư vấn tâm lý cho 350 nữ học viên cai nghiện. “Lúc đó đồng nghiệp nghĩ tôi thiệt thòi khi học hành có bằng cấp hẳn hoi lại chọn đường khó mà đi. Nhưng khi đã quyết định sống thật thì thiệt thòi hay không chính là do cách nhìn nhận của mỗi người. Mình chấp nhận bỏ qua một số giá trị được số đông tung hê để chọn lấy hệ giá trị riêng để có được cảm giác tự do” – bà trải lòng.
Sáu tháng ở đó, bà không chỉ tư vấn tâm lý cho học viên mà còn học được ở đấy những bài học lớn trong cuộc sống có giá trị cho nghề nghiệp. Theo bà, sống thật phải nên cân nhắc trong từng tình huống cụ thể, không khư khư cố chấp bám vào một trong hai lựa chọn: sống thật hoặc bảo vệ quyền lợi cá nhân để rồi ân hận.
HÀ THANH – HẢI THI (TTO)
Sống thật có ích kỷ?
Có ích kỷ và cố chấp khi chúng ta có những tính xấu nhưng nhất định không sửa chúng, bao biện cho chúng bằng lý lẽ “tôi đang sống thật”, khi khăng khăng làm theo ý mình bất kể những quy chuẩn chung… là băn khoăn của nhiều bạn trẻ tham dự chương trình. Bằng kinh nghiệm tích lũy, giáo sư Trần Văn Khê nhắn nhủ: “Chúng ta chỉ cổ động lối sống thật nếu cái thật đó không phương hại đến người khác. Chỉ khi cái thật mang lại lợi ích cho không riêng bản thân mà còn cho xã hội thì chúng ta mới chọn sống vì nó” – ông nhấn mạnh.
MC Thanh Tùng cũng cho rằng không thể vin vào lý lẽ tôi sống thật để cố ý không lắng nghe. “Chúng ta sống thật với mình nhưng cũng nên nhìn vào cái thật của xã hội và tìm cách dung hòa cả hai” – anh chia sẻ.
|
Bình luận (0)