Vừa qua, tôi đi họp phụ huynh đầu năm mà cảm thấy rất bức xúc. Nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo nhiều điều về việc ăn học, chăm sóc và cách dạy, rồi đến các khoản tạm thu vì chưa có văn bản chính thức của sở, tất cả phụ huynh đều đồng ý. Nhưng, gần cuối buổi họp, cô giáo mới cầm một cái hộp và nói rằng phụ huynh của bé T.A đã ủng hộ tiền để mua thêm bàn ghế cho lớp, rồi cô giáo bỏ khoản tiền đó vào trong hộp. Kết thúc công đoạn đó, cô giáo giao cho một phụ huynh đại diện lớp đi đến từng chỗ phụ huynh để kêu gọi ủng hộ, và tôi đã nghe phía dưới có tiếng văng vẳng lên: “Ủng hộ tối thiểu 100.000 đồng”. Vì trong túi tôi không đủ số tiền đó nên không thể đóng góp được. Vị phụ huynh vẫn tiếp tục đi và cô giáo cất tiếng như để trình bày công khai hơn: “Phụ huynh yên tâm, tất cả các phụ huynh của lớp khác cũng sẽ ủng hộ để mua thêm bàn ghế cho các cháu”. Kết thúc buổi họp, tôi trở về nhà và cũng quên trao đổi để sáng mai vợ đưa con đi học sẽ đóng góp. Thế nhưng, hôm sau vợ tôi trở về nhà và nói: “Sao anh chưa ủng hộ tiền bàn ghế, cô giáo nhắc!”. Tôi ậm ừ và trả lời: “Anh quên mất!”. Đến sáng hôm sau, đích thân tôi đưa con đi học và vừa đến sân trường, gặp cô giáo, cô nhắc to: “Sao anh chưa ủng hộ tiền vậy?”. Tôi hơi bối rối và cảm thấy không vui vì câu nhắc không lịch sự ấy của cô giáo ngay tại sân trường đang có nhiều phụ huynh. Tôi móc vội trong túi tờ 100.000 đồng đưa ngay cho cô và nhanh chân trở ra ngoài! Thế đấy, tôi chẳng hiểu chữ nghĩa Việt Nam ngày càng phong phú và phát triển đến mức nào nữa vì từ ngữ cô giáo nêu lên trong buổi họp là “ủng hộ”, nhưng mình chẳng thấy chỗ nào là ủng hộ cả, mà là “ép buộc ủng hộ” thì đúng hơn! Theo tôi hiểu, ủng hộ là trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc và không có hạn mức nhất định nào. Ấy vậy mà trong cách yêu cầu của cô giáo, tôi vừa thấy ép buộc, vừa có cả định mức. Càng nghĩ càng thấy khó hiểu khi ngay cả cô giáo mầm non – những người gieo vào đầu trẻ em những kiến thức đầu tiên mà còn không thông hiểu rõ ngữ nghĩa của từ thì sao dạy cho các cháu nên người (?!) Đối với những gia đình khó khăn, trong khi 100.000 đồng có thể giúp giải quyết khá nhiều chuyện hàng ngày thì kêu gọi “ủng hộ” kiểu này sẽ chẳng khác nào đòi… nợ! Bên cạnh đó, việc trang bị đồ dùng hay mua sắm bàn ghế cho trường lớp phải từ nguồn kinh phí của quận, Phòng GD-ĐT duyệt chi theo đúng tinh thần giáo dục. Trong trường hợp này, nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng góp thêm để mua như vậy có theo chủ trương chung của ngành hay không? Đó là vấn đề gây cho phụ huynh những bức xúc khi năm học mới bắt đầu hơn 1 tháng. Chúng tôi nêu lên vấn đề này để ngành giáo dục cần kiểm tra và có văn bản chung, hướng dẫn các khoản thu cho phụ huynh được rõ ràng, minh bạch.
Thiên Minh (Q.Phú Nhuận)
Bình luận (0)