Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Săn đồ cũ – chiêu tiết kiệm khi du học

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên học tiếng Anh tại Học viện Yola

Chi phí sinh hoạt khi đi du học là một trong những vấn đề mà các du học sinh (DHS) luôn đau đầu mỗi khi phải cân đo, đong đếm. Săn hàng giá rẻ, đi chợ đồ cũ… là một trong những giải pháp được nhiều DHS “mách nước” cho nhau để tiết tiệm tối đa phần “hầu bao” ít ỏi.
Đủ loại mặt hàng
Dù ở quốc gia nào, DHS cũng dễ dàng tìm được các loại hình, phương thức bán hàng giảm giá. Bạn Linh Nguyên, sinh viên chuyên ngành kinh tế và quản trị Trường ĐH Aix Marseille (Pháp), chia sẻ: “Ngay từ năm đầu qua Pháp, tôi đã được hội sinh viên người Việt tại Pháp giới thiệu về chợ “dọn kho” (Vide-Grenier). Chợ được “phủ sóng” rộng rãi trên toàn nước Pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân nhượng lại những đồ dùng không có nhu cầu sử dụng nữa, với một số tiền chỉ ở mức tượng trưng. Không giống như các khu chợ thực phẩm, Vide-Grenier thường được tổ chức vào ngày nghỉ cuối tuần trong các góc phố hay những sân chung của các trường học, mở ra từ 9 giờ và kết thúc tầm 18 giờ”. Đi chợ “dọn kho” là một thú vui của hầu hết người dân Pháp, bởi vì người mua sẽ vô cùng thú vị với những phát hiện bất ngờ về các đồ vật họ đang tìm kiếm hay ưa thích mà chỉ phải trả với một mức giá quá hời như: Sách vở, quần áo, ti vi, máy sấy, bàn là, xoong nồi… Thậm chí người bán còn mang ra đây những món đồ chưa bao giờ sử dụng nhưng dư thừa trong nhà như: Đồng hồ đeo tay, túi xách, máy chụp hình, màn hình vi tính… Ở đây, người mua hoàn toàn có thể yên tâm với những mức giá mà người bán đưa ra. Ví dụ: Tập sách hay các từ điển chuyên môn phục vụ cho nhu cầu học tập là 1-2 euro; bát, dĩa, ly giá khoảng 2-5 euro/10 cái; xe đạp giá 20-40 euro…”.
Linh Nguyên cho biết thêm: “Có lần tôi ghé thăm gian hàng của một đôi vợ chồng già, họ bày biện đơn giản lên tấm vải nhỏ một cây đàn guitar, một cái đèn học, bộ loa vi tính và một vài thứ linh tinh khác lẫn lộn nhau với mức giá từ 0,1-1 euro tùy từng loại, nhưng cao nhất cũng chỉ là 2 euro. Phần lớn đều là những đồ dùng trước đây của cậu con trai, giờ cậu đã ra trường và đi làm nên không có nhu cầu dùng đến nữa. Vì bán lại cho sinh viên nên mức giá rất dễ chịu”.
Chợ “chồm hổm” luôn là lựa chọn hàng đầu của DHS tại Nhật Bản. Hình thức gần giống như chợ trời ở Việt Nam, thường mở trên khu đất rộng, thoáng mát và dân chúng từ các nơi tập trung đến. Tại chợ có đầy đủ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ trang sức, băng đĩa, truyện tranh… tất cả vẫn còn rất mới nhưng giá bán thì cực rẻ. Ở đây, người mua cũng được mặc cả khi mua hàng. Bạn Trang Trần – DHS Trường ĐH Electro-Communications (Tokyo, Nhật Bản) – cho biết: “Do nhà của người Nhật Bản có diện tích nhỏ hẹp nên đồ đạc, quần áo thừa sẽ được mang đi bán. Và theo tâm lý thì họ thường không mặc lại quần áo từ năm này sang năm khác, nên sau mỗi mùa là họ lại lựa bớt quần áo để mang ra chợ “chồm hổm” tiêu thụ”.
Mua hàng được khuyến mãi thêm
Từ lâu, Mỹ vốn được xem là thiên đường nuôi dưỡng những giấc mơ du học. Bởi thế, không có gì lạ khi nhiều hàng hóa, sản phẩm, cửa hàng tại Mỹ treo bảng sale off (giảm giá) quanh năm. Giống như Pháp, ở đâu trên đất Mỹ cũng dễ dàng gặp những “garage sale” hay “yard sale”. Đó không phải là dịch vụ bán garage giá rẻ hay vườn giá rẻ mà là tên gọi một loại hình bán đồ cũ theo kiểu gia đình. Một gia đình hoặc một nhóm cộng đồng, nhóm sinh viên có nhiều đồ không dùng và có nhu cầu thanh lý thì họ mang ra garage hoặc vỉa hè trước cửa nhà bày bán. Bạn Thy Mai, một DHS vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Boston, cho biết: “Mặt hàng ở đây phong phú, từ cái chổi, ghế, đĩa CD, sách cũ đến ti vi, tủ lạnh, máy giặt… Giá cả rất rẻ, có khi chỉ vài đô la một món hàng nhưng thông thường do mọi người tự định giá và thỏa thuận với nhau. Thông báo về các buổi “garage sale” này thường được dán ở các cửa hàng hoặc cột điện trong cộng đồng dân cư gần đó. Có sinh viên đã từng “xin” được ô tô cũ và được “khuyến mại” thêm vài chục đô la để đổ xăng”, Thy Mai khẳng định.
Không chỉ có vậy, nhiều DHS tại Úc cho biết mua hàng trong cửa hàng lớn ở nước này cũng cần mặc cả. Bởi “ngay cả hàng đã giảm giá rồi cũng có thể bớt được khi biết cách nói chuyện với người bán hàng”, bạn Dũng Lê, sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐH Griffith nói. Bạn cho biết: “Lúc mới sang đây, tôi cũng không biết gì về “chiêu” này. Một lần đi mua hàng vào dịp giảm giá cuối năm, khi đang ngắm nghía mấy cái máy cạo râu, tôi vô tình theo dõi được chuyện mặc cả giữa hai khách hàng người Việt với cô nhân viên về một cái máy cạo râu từ 120 AUD giảm còn 95 AUD. Lúc đó tôi không hiểu được tại sao cửa hàng ở Úc lại có chuyện mặc cả như vậy nhưng đến khi đi làm thêm mới biết các cửa hàng đều có mức giảm giá tối đa và các chính sách cho phép nhân viên có thể bớt cho khách hàng khi trả tiền mặt. Đặc biệt họ rất sợ khi biết giá của mình không cạnh tranh với các cửa hàng khác, nhất là vào mùa sale”.
Bài, ảnh: Huyền Linh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)