Có một kỳ thi học sinh giỏi đã được tổ chức tám năm liền ở huyện Bình Chánh, TP.HCM: kỳ thi dành cho những học sinh giỏi môn giáo dục công dân (GDCD) lớp 9. Chỉ vì các bạn yêu thích môn GDCD.
Ở đó, HS được bày tỏ nhận thức, thái độ, tình cảm, quan điểm sống cũng như ý thức trách nhiệm cá nhân đối với người thân, xã hội.
HS Trường THCS Phong Phú tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp sáng 23-10 – Ảnh: P.Đ. |
Trong suy nghĩ số đông, giáo dục công dân vẫn bị xem là môn phụ trong trường phổ thông. Có lẽ vì thế, trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) lớp 9 và lớp 12 cấp tỉnh, thành và cấp quốc gia không có môn này. Những HSG môn GDCD của huyện Bình Chánh vì thế chỉ được dự kỳ thi cấp huyện và… hết. Các bạn không có cơ hội thể hiện mình ở kỳ thi cấp cao hơn. Cũng không có cơ hội được cộng điểm khuyến khích, ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như HSG các bộ môn khác. Cũng không vì thành tích của trường hay của ngành giáo dục địa phương. Chỉ đơn giản vì các bạn yêu thích môn GDCD.
Chuyện từ những bài thi
Về đề thi, vì không nhằm mục đích chọn “gà chiến” đi thi cấp cao hơn, không đánh đố kiến thức cao siêu hay lý thuyết khô cứng, đề thi HSG môn GDCD có phần nêu nhận thức, hiểu biết của HS về một vấn đề nào đó, có phần nêu quan điểm, suy nghĩ, phần liên hệ bản thân, liên hệ với cộng đồng, môi trường… Không chỉ có kiến thức sách giáo khoa, đề thi mở cơ hội cho HS trình bày vốn kiến thức xã hội, từ thực tế xã hội quanh mình nêu trách nhiệm cũng như ý thức rèn luyện bản thân… Những năm đầu đề thi có 50% điểm lý thuyết sách giáo khoa, nhưng càng về sau phần điểm dành cho các câu hỏi liên quan đến bài học trong sách giáo khoa chiếm 1/3. Còn lại là phần vận dụng và liên hệ thực tế.
Đề thi năm 2012 dẫn câu nói của Bác Hồ: “Dân tộc ta có lòng nồng nàn yêu nước… để yêu cầu HS nói về lòng yêu nước”. Phạm Thị Thùy Trang và Nguyễn Thị Ngọc Thảo, HS Trường THCS Phong Phú, hai thí sinh đạt điểm cao nhất, cho biết rất thích phần câu hỏi yêu cầu nêu nhận thức bản thân về lòng yêu nước của dân tộc ta và phần câu hỏi rất “thời sự”: kể các hoạt động xã hội liên quan đến biển đảo gần đây. Và điều bất ngờ từ chia sẻ của hai thí sinh này không phải chuyện điểm số. Ngay sau kỳ thi, chính các bạn tự nhận thức được sự thiếu sót của bản thân. Thùy Trang cho rằng: “Bài thi của em chưa đạt điểm tốt nhất có lẽ vì em còn bám lý thuyết quá, chưa chú ý đọc báo, xem tin tức hằng ngày nên kiến thức xã hội chưa sâu. Khi xem tivi, cũng như nhiều bạn, em xem hoạt hình quá nhiều hoặc mất thời gian vào những kênh giải trí mình yêu thích. Từ đó, em nghĩ mình phải thay đổi thói quen, phải biết chọn xem những thông tin hoặc kênh tivi mang đến cho mình nhiều kiến thức hơn”.
Giáo viên cũng thi
Ngoài kỳ thi HSG, huyện này cũng tổ chức kỳ thi tay nghề giáo viên GDCD như những bộ môn khác. Ngoài yêu cầu giáo án tiết dạy, ban giám khảo hỏi thêm câu hỏi mở rộng: vì sao chọn phương pháp này, ở trường giáo dục HS như thế nào qua tình huống cụ thể. Không chỉ chuẩn bị tốt cho tiết đó mà còn có kỹ năng và phương pháp tốt với từng tình huống.
Cô Văn Kim Phụng, Trường THCS Vĩnh Lộc A, người đoạt giải nhất thi tay nghề giáo viên GDCD năm 2011, nhận định: mỗi kỳ thi là một dịp để giáo viên học hỏi chuyên môn. Có nhiều thầy cô tuy lớn tuổi nhưng vẫn yêu môn GDCD, vẫn năng động trong đổi mới phương pháp dạy học.
|
Còn Ngọc Thảo tiếc nuối vì tự thấy bài thi của mình chưa sâu sắc. Phần nêu các hoạt động xã hội về biển đảo, có những hoạt động chính mình hăng hái tham gia ở trường như việc Góp đá xây Trường Sa hoặc Vì một ngôi trường cho HS Trường Sa… nhưng khi đi thi viết không đủ ý, không hay. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, Thảo nhận thức do nhiều khi chính mình còn hời hợt, thờ ơ với những hoạt động hằng ngày, chưa suy nghĩ sâu những vấn đề xung quanh dù nhiều khi rất gần gũi với mình. Và đó là điều mỗi người cần hoàn thiện thêm.
Trước đó, đề thi năm 2011 dẫn một câu chuyện sống đẹp của một HS 9 tuổi biết nhường khẩu phần của mình cho người khác… Nhiều HS đã rất cảm xúc khi bày tỏ: “Em đã 14 tuổi nhưng chưa biết nghĩ, biết hành động như em nhỏ này”. Và có đề thi về chủ đề an toàn giao thông, trách nhiệm thanh niên với đất nước…
Nâng vị thế môn GDCD
Cô Phạm Thị Hồng Thủy, giáo viên Trường THCS Tân Nhựt, nói: Có những HS giỏi môn toán nhưng vẫn quyết đi thi HSG GDCD cấp huyện. Dù biết trước kỳ thi chỉ được tổ chức ở huyện nhà, nhưng nhiều HS vẫn rất buồn khi không có cơ hội thể hiện mình ở kỳ thi cấp cao hơn. Nhiều giáo viên không khỏi tâm tư khi những HSG GDCD chất vấn: Vì sao môn GDCD không được thi lên cao hơn? Rồi các em kết luận: như vậy là môn GDCD chưa được đối xử công bằng như những môn khác. Thầy cô chỉ biết động viên HS thôi…
Và có lẽ vì thế nên nhiều em rất giỏi, rất thích môn GDCD nhưng nếu đồng thời em giỏi môn khác, môn GDCD phải “nhường người”. Những năm đầu tổ chức thi HSG GDCD, chính những lãnh đạo phòng giáo dục cũng bị ban giám hiệu các trường đặt câu hỏi: môn này không thi thành phố, không thi quốc gia, vậy tổ chức thi cấp huyện để làm gì? Nhưng nói như cô Trương Thị Kim Chọn, phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo Bình Chánh: “GDCD là môn chủ lực giáo dục đạo đức HS. Không chỉ dạy kiến thức giáo khoa, thầy cô còn giáo dục hành vi, giúp HS tự nhận thức trách nhiệm đối với cộng đồng, với mọi người xung quanh. Chúng tôi duy trì kỳ thi HSG GDCD với mong muốn thay đổi cái nhìn của HS và của chính thầy cô về môn này”.
Những đổi mới tích cực trong dạy và học môn GDCD đã được chú trọng hơn qua từng năm. Những biến chuyển đó đang khơi gợi cho từng HS sự yêu thích hứng thú hơn với môn học này. HS lớp 6, lớp 7 nhiều trường ở huyện này hăng hái kể về các buổi học GDCD được nghe cô kể chuyện hay, được sắm vai, các bạn cùng cô sưu tầm tranh ảnh cho bài học. Trong khi HS lớp 8, lớp 9 lại ấn tượng mạnh những giờ học thảo luận nhóm, được trình bày quan điểm của mình, say sưa trống đánh hết giờ không hay. Ở đó, nhiều HSG được đảm nhận vai trò dẫn chuyện, cô giáo chỉ là người tóm lại bài học.
PHÚC ĐIỀN (TTO)
Bình luận (0)