Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghị định mới về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức khắc phục tình trạng nể nang

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Nội vụ vừa có Dự thảo Nghị định về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này nhằm thay thế Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 88/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56.

Theo Bộ Nội vụ, việc đưa ra dự thảo phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức lần này xuất phát từ những bất cập, khó khăn trong phương pháp đánh giá theo vị trí việc làm.
Cụ thể, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ (Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ) vẫn còn thấp, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với hiệu quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Nghị định mới về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức khắc phục tình trạng nể nang ảnh 1
Sắp tới sẽ có Nghị định mới về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức mới.
Theo nội dung dự thảo, việc căn cứ đánh giá cán bộ bao gồm về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc cán bộ không được làm được quy định tại Luật Cán bộ công chức, viên chức. Tiêu chí đánh giá sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của cán bộ; đánh giá về chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình hoặc được cấp phó thẩm quyền giao, phê duyệt hoặc phân công.

Việc đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ căn cứ vào nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp và những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ công chức, viên chức, việc đánh giá này cũng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo quản lý; nhiệm vụ theo chương trình kế hoạch đã được phân công. Bộ Nội vụ cũng thông tin về tiêu chí chung trong việc đánh giá này sẽ có các nội dung như đánh giá về lập trường chính trị tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức; về đạo đức lối sống; về tác phong, lề lối làm việc; về ý thức tổ chức kỷ luật; về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao có hoàn thành đến đâu.
Cán bộ, công chức có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, được các cấp có thẩm quyền công nhận. Trong việc đánh giá thì tập thể, cá nhân có quyền thực hiện nhận xét, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức. Đối với lãnh đạo sẽ lấy ý kiến của cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú của cán bộ. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo từng năm công tác.
Đối với việc cán bộ chuyển công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm đánh giá, phân loại, nhưng phải kết hợp với ý kiến, nhận xét của đơn vị cũ. Thời điểm để phân loại, đánh giá sẽ được tiến hành trong tháng 12 hàng năm.
Cũng theo Bộ Nội vụ, kết quả cho việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức sẽ là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luôn chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

ĐỖ TRUNG/ SGGP

 

 

Bình luận (0)