Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tránh… thất nghiệp bằng handmade

Tạp Chí Giáo Dục

Giới trẻ chen nhau đi mua các sản phẩm handmade tại chợ phiên Thanh niên được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên mới đây

Tự chế và bán các sản phẩm handmade là cách kiếm tiền của nhiều bạn trẻ trong thời gian… thất nghiệp. Handmade hiện đang là trào lưu thu hút giới trẻ, cả người bán lẫn người mua.
Không ít bạn trẻ vẫn hết mình với công việc tốn nhiều thời gian, công sức này vì đam mê!
“Lấy ngắn nuôi dài”
Hai sinh viên Trần Thị Thanh Thảo và Dương Thanh Trúc vừa mới tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng – khách sạn (Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang) hiện vẫn chưa kiếm được công việc ưng ý. Hai bạn cho biết cũng đã phỏng vấn xin việc ở một vài nhà hàng, khách sạn nhưng hiện tại những nơi này hầu như đã kín chỗ cho ca ngày nên yêu cầu làm ca đêm, có khi 12 giờ khuya mới được về nhà. “Công việc mệt thì còn chấp nhận và cố gắng được, lo lắng lớn nhất là thân con gái mà ngày nào cũng đi làm về khuya thì nguy hiểm quá” – Thanh Thảo bày tỏ. Trong thời gian chờ kiếm được một công việc phù hợp, hai sinh viên này tự chế đồ handmade để bán. Sản phẩm của các bạn là những cuốn sách, album, truyện mini nằm trong lòng bàn tay có thể dùng để chưng hoặc móc khóa. Đơn giản hơn, các giá sách, ngôi nhà “tí hon” cũng được chế tạo từ những… que kem nhưng rất đẹp mắt. Ban đầu, hai “cô chủ nhỏ” này chỉ bán trên facebook với nguồn khách hàng chủ yếu là bạn bè thân thiết. Dần dần, hai bạn nghĩ cách “buôn bán lớn” với việc đem sản phẩm đi đọ sức tại các hội chợ.
Tại phiên chợ phiên Thanh niên đầu tiên được tổ chức dành cho sinh viên ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM cách đây một tháng, hai bạn trẻ này đã mạnh dạn đặt gian hàng và sản phẩm của họ được khá nhiều người quan tâm, thậm chí có shop chuyên bán các mặt hàng lưu niệm đặt hàng sản xuất. Mỗi sản phẩm sách, truyện mini của các bạn được bán với giá từ 35 đến 55 ngàn đồng. Trừ chi phí thuê gian hàng, mua nguyên vật liệu và những khoản khác, thù lao các bạn kiếm được tuy chưa nhiều nhưng cũng giúp trang trải phần chi phí sinh hoạt. “Sản phẩm handmade chủ yếu lấy công làm lời, qua đó tụi em học cách kinh doanh đồng thời tận dụng được thời gian rảnh trong lúc chờ việc” – Thanh Trúc chia sẻ.  Sắp tới, hai bạn tiếp tục mang những “đứa con tinh thần” của chính mình đi chào hàng trong các hội chợ handmade khác.
Giống như Thanh Thảo và Thanh Trúc, Lê Kim Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng đầu tư cho lĩnh vực này. Kim Dung cho biết, bạn tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế đã được một thời gian nhưng vẫn chưa kiếm được việc đúng chuyên môn nên hiện tại bạn chấp nhận làm trái ngành và tranh thủ kiếm thêm bằng các sản phẩm móc khóa tự may bằng vải nỉ. “Hằng ngày, em tự kiếm những mẫu mới trên mạng, may theo mẫu rồi bán cho bạn bè. Mỗi móc khóa có giá từ khoảng 10 đến 15 ngàn đồng, trừ chi phí ra cũng kiếm được chút ít” – Kim Dung cho biết.
Không đụng hàng!
Đối với người mua, handmade hấp dẫn bởi tính độc đáo, lạ và có một không hai của sản phẩm. Nhiều bạn trẻ có sở thích sưu tầm và xài những món đồ không đụng hàng, vì vậy đôi khi họ chịu khó bỏ những khoản tiền kha khá để có được chúng. Đó lại chính là sự khích lệ tinh thần lớn đối với người “sản xuất”. Thanh Thảo tâm sự: “Làm những sản phẩm nhỏ đòi hỏi sự tỉ mẩn cao. Có những đêm em thức đến 1-2 giờ sáng kiên trì mày mò làm sao cho sản phẩm phải đẹp. Chưa nói, đặt làm một hộp bằng mê-ka nhỏ đã tốn phí hết 15 ngàn đồng. Trong khi đó, nhiều nơi không chịu làm vì số lượng quá ít, lại tốn công, em phải đi nhiều lần mới có tiệm nhận làm. Thế mà có khi nhiều bạn thấy sản phẩm “tí hon” quá cũng trả cho một mức giá hết sức… bọt bèo khiến em cảm thấy không khỏi hụt hẫng”.
Bên cạnh sự kiên trì mày mò, sản phẩm handmade cần những bàn tay khéo léo và dĩ nhiên, cả óc sáng tạo ở người làm. Kim Dung cho rằng, chính vì trong các sản phẩm handmade hội tụ công sức, sự sáng tạo nên đôi khi có những người làm ra không thích bán. Lắm lúc, họ thấy “tự ái” khi phải bán “đứa con tinh thần” với giá quá rẻ.
Tại TP.HCM, ngày càng có nhiều hội chợ về các sản phẩm handmade dành cho học sinh, sinh viên và sự đầu quân đông đảo của chính giới trẻ nói riêng và người dân nói chung vào lĩnh vực này khiến cho một số chủng loại xuất hiện rầm rộ, mất đi “bản quyền”. “Tuy nhiên, khi sản phẩm xuất hiện ở quy mô lớn trên thị trường, sức mua lại không theo kịp thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm sẽ là mối lo lớn. Nhiều nơi cung ứng đã chọn phương án ký gửi sản phẩm tại các điểm du lịch, khách sạn, khu vui chơi… để sản phẩm được tiếp cận đến tận người mua” – chủ một cửa hàng chuyên bán đồ handmade tại TP.HCM chia sẻ.
Bài, ảnh: M.Tâm
Từ ngày 10 đến 12-11, Hội chợ “Handmade sale today” dành cho học sinh, sinh viên sẽ diễn ra tại số 206 Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), hội tụ 40 gian hàng các loại, trong đó khoảng 70% gian hàng thời trang bán sản phẩm handmade độc đáo. Đây là dịp để các “nhà thiết kế tuổi teen” thể hiện sự khéo tay, sưu tập những món hàng có 1 không 2, thanh lý những món đồ ít dùng đến, đồng thời giúp các sinh viên đang sở hữu những cửa hàng online có cơ hội quảng bá tên tuổi và mở rộng mạng lưới khách hàng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)