Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trò chơi trong môn mỹ thuật ở tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giảng dạy môn mỹ thuật ở tiểu học, giáo viên thường dạy theo một trình tự bài bản nhất định, chủ yếu sao cho học sinh hoàn thành bài thực hành mỹ thuật của mình một cách tốt nhất. Chính vì thế, tiết học trở nên đơn điệu và gây nhàm chán cho học sinh, nhất là những em không có năng khiếu mỹ thuật. Bởi thế, giáo viên dạy mỹ thuật cần phải sáng tạo để tiết dạy sinh động, hấp dẫn, thu hút học sinh hơn.

Để học sinh tiểu học yêu thích môn mỹ thuật hơn, giáo viên có thể áp dụng nhiều trò chơi trong các tiết dạy. Một số trò chơi tôi đã áp dụng và đem lại hiệu quả cao trong giảng dạy như: Thứ nhất, trò chơi  “Chúng ta cùng vẽ”. Giáo viên ra yêu cầu cần vẽ (tùy theo trình độ mỹ thuật của từng lớp) như vẽ một hình vuông, vẽ một hình tam giác hay vẽ một căn nhà có sử dụng hình thang, hình vuông, hình chữ nhật…  Hai học sinh cùng vẽ một tranh nhưng mỗi em chỉ vẽ bằng một tay. Trong một thời gian quy định, tranh vẽ nhanh nhất, đẹp nhất là thắng cuộc. Thứ hai, trò chơi “Vẽ theo mô tả”. Học sinh được chia thành các nhóm, mỗi nhóm cử một bạn làm họa sĩ. Họa sĩ ngồi đưa lưng về phía vật mà giáo viên yêu cầu vẽ (không nhìn thấy vật cần vẽ). Giáo viên đưa vật cần vẽ cho các học sinh khác nhìn, các em trong nhóm có nhiệm vụ mô tả cho họa sĩ của nhóm vẽ. Ví dụ: Giáo viên đưa quả cam. Các bạn trong nhóm mô tả theo ý mình như tròn, màu cam, có lá xanh… Họa sĩ của nhóm sẽ vẽ theo lời mô tả của các bạn. Trong thời gian nhất định, nhóm vẽ đúng, đẹp là nhóm thắng cuộc. Thứ ba, trò chơi “Mình vẽ nhau nhé”. Hai học sinh ngồi đối diện nhau, nhìn gương mặt nhau thật kỹ. Sau đó, hai em xoay người, không nhìn nhau nữa và vẽ gương mặt bạn mình. Sau thời gian quy định, học sinh đưa tranh vẽ cho bạn mình xem và nêu được đặc điểm mà mình nhớ nhất trên gương mặt bạn và đã thể hiện qua tranh. Ví dụ: Đôi mắt cận, đeo kính tròn, thật to. Nụ cười thật tươi. Cái mũi rất cao… Thứ tư, trò chơi “Mỗi người 1 nét”. Học sinh trong lớp được chia thành các nhóm thảo luận xem sẽ vẽ tranh gì. Sau đó, lần lượt mỗi em chỉ vẽ một nét và cứ tiếp tục như thế cho đến khi hoàn tất bức tranh. Sau thời gian quy định, tranh hoàn thành đúng thời gian, vẽ đẹp là thắng. Sáng kiến này đã đem lại lợi ích rất lớn trong giảng dạy môn mỹ thuật và giáo dục học sinh.

Những trò chơi này rất đơn giản nhưng nó làm tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn học sinh. Qua các trò chơi, sẽ giáo dục, rèn luyện các em nhiều điều như tinh thần đồng đội, cách làm việc nhóm, biết quan sát tinh tế hơn, rèn tính thẩm mỹ. Cũng qua trò chơi, các em sẽ đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Ở những môn học khác cũng có thể áp dụng các trò chơi này để tiết học vui tươi hơn và giáo dục được học sinh nhiều điều khác bổ sung cho môn đang  học.

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)