Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy chữ cho con ở nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Khi đọc sách cho trẻ nghe, người lớn phải để sách trước mặt các em

Nhiều năm nay, các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 thường cho trẻ đi học chữ trước. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng cha mẹ có thể giúp trẻ làm quen với chữ viết ở tại nhà…
Loay hoay tìm chỗ học chữ cho con
Sang năm, cu Bin nhà chị Hải Vân (Q.7) sẽ vào lớp 1. Những ngày này chị đặc biệt quan tâm đến các mẩu quảng cáo gia sư để tìm một gia sư dạy chữ trước cho con. Tuy vậy, chị cũng không khỏi lo ngại nếu tìm nhầm người vô tình sẽ hại đến con. Vốn là trước đó, một người bạn của chị cũng cho con đi học chữ trước. Không hiểu gia sư dạy thế nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, con của người bạn bỗng dưng nói ngọng. Đến khi vào lớp 1 thì cô giáo chủ nhiệm phát hiện đứa trẻ cầm bút sai, ngồi không đúng tư thế và tiếp thu rất chậm. Từ chuyện của người bạn, chị Hải Vân thực lòng không muốn cho con học chữ trước, nhưng: “Nếu không cho bé đi học trước, vào lớp 1 có theo kịp bạn bè hay không?”, chị Hải Vân lo lắng.
Sự lo lắng của chị Hải Vân là nỗi lo chung của nhiều ông bố bà mẹ có con sắp bước vào lớp 1. Như trường hợp của chị Kim Ngân (Q.Tân Bình). Hiện nay con chị đang học lớp lá tại một trường mầm non của quận. Từ đầu năm học đến nay, tuần 3 buổi, sau giờ học ở trường mầm non là con gái chị lại bị “lôi” đi học chữ. Bé học tại nhà một giáo viên đang dạy lớp 3. Trước đó, trong thời gian nghỉ hè, bé cũng được ông nội đưa đi học chữ. Tuy nhiên sau hơn 2 tháng thấy không có kết quả nên gia đình cho nghỉ để chuyển sang chỗ học mới.
Khi chúng tôi hỏi sao không tự dạy cho bé mà phải đưa đến nhà cô giáo cho cực, chị Kim Ngân trả lời: “Mình không có nghiệp vụ sư phạm nên sợ dạy sai. Thôi thì mất chút thời gian, công sức để con có được người thầy tốt”.
Một trường hợp khác là anh Đình Bình (Q.3). Mỗi khi vợ có công việc đột xuất, anh lại phải chở bé Bình Minh đi học chữ. Anh bức xúc: “Hai vợ chồng đều là thạc sĩ, vậy mà chỉ có mấy chữ a, b, c, số 1, 2, 3… cũng không thể dạy được cho con. Tôi nói, để con ở nhà anh dạy nhưng bà xã nhất quyết không chịu. Con đi học vất vả đã đành, ba mẹ đưa đón cũng vất vả không kém”.
Chơi mà học
Dưới góc độ tâm lý thì trẻ 4-5 tuổi hoàn toàn không phù hợp với việc phải ngồi vào bàn học như học sinh tiểu học. Việc học của các bé là thông qua trò chơi. Từ các trò chơi, trẻ sẽ làm quen với chữ viết, với con số, màu sắc và các loại hình dạng…
Với lứa tuổi mầm non, tất cả chỉ làm quen chứ không phải học các phép toán cộng trừ, ghép vần như học sinh lớp 1. Vì vậy, việc phụ huynh đua nhau cho con đi học chữ trước, chính xác là học trước chương trình lớp 1 là một sai lầm.
Thạc sĩ Lê Thị Liên Hoan, nguyên Phó phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho rằng: Trẻ được nghe đọc sách thường xuyên sẽ phát triển ngôn ngữ nói và viết tốt hơn.
Chính vì vậy, để việc học tập của con được tốt khi vào lớp 1, phụ huynh chỉ cần tích cực đọc truyện, đọc sách cho con nghe. “Khi đọc, phụ huynh không chỉ để quyển sách trước mặt mình mà cả trước mặt trẻ nữa. Trong quá trình đọc sách, phụ huynh nên chỉ vào chữ để trẻ dần làm quen với mặt chữ. Thậm chí, phụ huynh nên khuyến khích trẻ vuốt đuôi (đọc theo) một vài câu cuối của đoạn văn…”, thạc sĩ Liên Hoan khuyến khích.
Cũng theo thạc sĩ Liên Hoan, mọi đứa trẻ dù là con của gia đình trí thức hay người lao động nghèo đều phát triển như nhau. Quan trọng là phương pháp giáo dục của phụ huynh.
Thực tế đã chứng minh, những đứa trẻ được cha mẹ dành nhiều thời gian để trò chuyện, vui chơi thường phát triển hơn. Và trẻ ở lứa tuổi mầm non thường rất thích được nghe người lớn đọc sách, kể chuyện. Vì vậy, thay vì mất thời gian đưa rước con đi học chữ trước, phụ huynh nên chơi với con, giải đáp những câu hỏi: “Vì sao, như thế nào…” của trẻ. Đó là cách khuyến khích trẻ phát triển cả ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết và phát triển trí tuệ…
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên cùng con chơi trò tìm chữ. Ví dụ, phụ huynh lấy một bức tranh vẽ cơ thể người rồi chỉ cho trẻ biết các bộ phận trên cơ thể. Sau đó cùng với trẻ tìm các bộ phận có chữ t như tóc, tai, tay, trán; hay chữ m như mắt, môi, mũi, miệng…
Qua trò chơi này, trẻ không chỉ biết được các bộ phận trên cơ thể mình mà còn được làm quen với chữ viết. Và trẻ sẽ nhớ rất lâu vì việc học này thông qua trò chơi khiến trẻ không bị gò bó, không có áp lực…
Bài, ảnh: Hòa Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)