Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi trong một buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức năm 2012
|
Công tác hướng nghiệp cho học sinh (HS) sau THCS và THPT đã được ngành GD-ĐT TP.HCM đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tâm lý “trọng thầy khinh thợ” còn ăn sâu trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh nên con đường mà họ lựa chọn cho con em mình là vào ĐH bằng mọi giá.
Hướng nghiệp bằng nhiều hình thức
Nhiều năm qua, các trường THCS và THPT trên địa bàn TP.HCM đã có nhiều cải tiến về hình thức và nội dung hướng nghiệp. Cụ thể là đưa HS đến tận các cơ sở sản xuất để giao lưu và tìm hiểu sâu về ngành nghề đã trở thành việc làm thường xuyên ở các trường.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT TP.HCM đã đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS. Một số quận như Bình Tân, Tân Phú, quận 8… đã làm rất tốt công tác này bằng cách phối hợp với doanh nghiệp, gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương cùng thực hiện”.
Trong nhiều năm qua, quận Bình Tân đã làm rất tốt công tác hướng nghiệp cho HS vào con đường TCCN, tuy nhiên, để đạt được thành tích cao thì Ban tư vấn hướng nghiệp của quận đã gặp không ít khó khăn. Từ năm 2005, quận đã thực hiện công tác hướng nghiệp xuống từng phụ huynh nên gặt hái được nhiều thành công. Ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận Bình Tân, là người tiên phong trong công tác này, chia sẻ: “Gia đình là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hướng nghiệp cho HS. Tâm lý của phụ huynh thường thích con em mình được học đến nơi đến chốn nên chưa chú trọng vào năng lực, sở thích của các em. Vì thế, nhiều năm qua chúng tôi đã xuống tận trường để tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho phụ huynh. Đồng thời, dẫn các em HS tham quan các cơ sở sản xuất, xí nghiệp trên địa bàn để các em hiểu rõ ngành nghề hơn. Nhờ làm tốt công tác hướng nghiệp cho phụ huynh nên nhiều năm qua quận có hàng ngàn HS theo con đường TCCN ở các trường trên địa bàn quận như CĐ Phú Lâm, TC Thủy sản…”.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường TCCN chỉ xét tuyển mà không tổ chức thi tuyển, trừ các ngành đào tạo năng khiếu. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn tạo điều kiện tối đa cho các trường TCCN được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đối tượng tuyển sinh vào TCCN là HS đã tốt nghiệp THCS và THPT hoặc tương đương. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường căn cứ vào năng lực đào tạo và nhu cầu của người học, có thể xét tuyển cả những HS đã trượt tốt nghiệp THPT hay bổ túc THPT…
ThS. Bùi Quốc Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Công nghệ Bách khoa, cho hay: “Không phải ai học ĐH mới thành công. Hiện nhiều trường TCCN được thành lập cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập cho HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, năng lực học tập chưa cao… Thực tế, HS tốt nghiệp ngành mỹ thuật đa phương tiện của trường đã tìm được việc nhanh chóng ở các công ty quảng cáo, xưởng phim…”.
Phụ huynh chưa mặn mà với TCCN
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã tạo điều kiện thuận lợi để các trường TCCN tuyển sinh, Sở GD-ĐT TP.HCM luôn đẩy mạnh công tác hướng nghiệp tại các trường THPT và THCS; ngoài ra, bản thân các trường TCCN cũng đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tạo việc làm cho HS sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên, những năm gần đây các trường TCCN vẫn luôn gặp khó khăn vì không tuyển sinh đủ chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân vì sao xảy ra hiện trạng này? Một HS THPT ở quận Bình Thạnh chia sẻ: “Điểm trung bình học tập năm lớp 11 của em chỉ ở mức trung bình nên em biết việc thi vào ĐH sẽ rất khó. Em là con gái nên muốn nộp hồ sơ vào học ngành mỹ thuật đa phương tiện của Trường TC Công nghệ Bách khoa TP.HCM, hoặc ngành thiết kế của một trường TCCN nào đó vì em biết năng lực của mình không đủ để thi vào ĐH. Tuy nhiên, ba mẹ không đồng tình với ý kiến này mà nhất quyết cho em học luyện thi ở trung tâm để vào cho được ĐH, nếu không đỗ trường công thì học trường tư”.
Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh, điều này lý giải vì sao các trường TCCN cũng như CĐ và ĐH có tuyển hệ TCCN mặc dù không ngừng nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy vẫn “hụt hơi” trong quá trình tuyển sinh.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ rằng mỗi HS đều có trình độ, sở thích, năng khiếu… khác nhau. Có HS thiên về năng khiếu văn hóa hàn lâm nhưng cũng có nhiều em có năng khiếu về thực hành nghề nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng nhất để định hướng tương lai cho HS là phụ huynh cần hiểu rõ năng lực, sức khỏe, sở thích cũng như điều kiện kinh tế của gia đình để chọn một ngành nghề phù hợp với bản thân các em”.
Bài, ảnh: Minh Châu
“Gia đình là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hướng nghiệp cho HS. Tâm lý của phụ huynh thường thích con em mình được học đến nơi đến chốn nên chưa chú trọng vào năng lực, sở thích của các em…”, ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận Bình Tân, cho biết. |
Bình luận (0)