Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Các lưu ý khi viết bài luận

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong 4 phương thức tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM có yêu cầu thí sinh viết bài luận trình bày động cơ học tập và sự phù hợp của năng lực bản thân với ngành học, trường học.

Thí sinh thi THPT quốc gia năm trước tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Cụ thể, bài luận phải được viết tay trên giấy A4 để đăng ký ưu tiên xét tuyển. Phương thức này ưu tiên xét tuyển học sinh 82 trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc và học sinh 33 trường THPT thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất nước 3 năm trở lại đây với 15%-20% tổng chỉ tiêu. 

Điều kiện cần và quan trọng để đánh giá thí sinh 

“Về bài luận, các thí sinh không nên quá lo vấn đề mình làm văn không hay, thay vào đó, cứ thể hiện niềm khao khát vào trường cũng như vào ngành mình đã chọn, có thể sẽ thuyết phục ban giám khảo”, Huỳnh Bích Hợp (sinh viên ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế – Luật) nói.

TS. Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM) cho hay, viết bài luận là hình thức tiến bộ, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng khi tuyển sinh nhưng ĐHQG TP.HCM đến nay mới chỉ thực hiện được cho phương thức ưu tiên xét tuyển. Vì nếu tất cả thí sinh đăng ký vào ĐHQG TP.HCM ở 4 phương thức đều viết luận thì cần đến một lực lượng người chấm hùng hậu, trong giai đoạn hiện nay ĐH chưa thể đáp ứng được. Khi đủ điều kiện, ĐHQG TP.HCM sẽ mở rộng áp dụng trong thời gian tới.

Cũng theo ông Chính, dù không tính điểm nhưng đây là điều kiện cần và quan trọng để đánh giá thí sinh, là tiêu chí xét thêm bên cạnh những tiêu chí khác. Bài luận cũng không đặt nặng việc thí sinh đạt điểm cao mà cần các em thể hiện được khả năng và định hướng tốt. “Mục đích của việc viết bài luận là kiểm tra xem khả năng viết của thí sinh cũng như định hướng chọn ngành nghề của các em có phù hợp không. Trong bài luận, thí sinh phải trả lời được câu hỏi vì sao chọn trường, chọn ngành nghề đó và thể hiện được sự phù hợp với ngành nghề”, ông Chính nói.

Viết súc tích, đúng trọng tâm…

“Vì viết tay nên thí sinh không nhất thiết viết quá dài, chữ không đẹp thì phải rõ ràng. Đồng thời, hình thức bài viết cần trang trọng để thể hiện sự tôn trọng các thầy cô và đó cũng chính là một điểm cộng rất lớn cho bài luận”, Ngô Minh Thy (sinh viên ngành Luật Kinh doanh khóa 16, Trường ĐH Kinh tế – Luật) chia sẻ.

Là sinh viên đã trúng tuyển bằng phương thức ưu tiên xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) năm 2017, Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (sinh viên ngành kinh tế đối ngoại) đã chia sẻ một số kinh nghiệm viết bài luận. Theo đó, trước tiên các thí sinh cần bám sát yêu cầu, cụ thể trình bày lý do muốn học tại trường, mối quan tâm đến ngành học, mục tiêu học tập, nghề nghiệp và đóng góp cho xã hội của bản thân. Việc không có yêu cầu cụ thể về độ dài, bố cục hay hình thức tạo điều kiện cho các thí sinh được tự do sáng tạo, thể hiện suy nghĩ của bản thân một cách tự nhiên nhất. Tuy vậy, các em cũng cần viết sao cho súc tích, ngắn gọn, câu văn mạch lạc, rõ nghĩa. Nên thể hiện rõ ràng các yêu cầu, tránh viết lan man, không đúng trọng tâm. “Trong bài luận, các thí sinh cần thể hiện được niềm đam mê, yêu thích của mình đối với ngành đã chọn; lý do các em chọn ngành đó mà không chọn là ngành khác; ngành học đó có gì thu hút với các em; bản thân các em có những tố chất gì phù hợp với yêu cầu của người học ngành đó. Tính cách của các em như thế nào và tính cách này cần thiết đối với người học ngành đó ra sao; các em chọn học ngành đó với mong muốn gì cho bản thân sau này? Ngoài ngành học, các em còn cần thể hiện suy nghĩ về trường học, môi trường học, chẳng hạn như tại sao em lại chọn trường A chứ không phải trường B; trường A có điều gì thu hút các em”, Ngọc Quỳnh nêu chi tiết.

Ngoài ra, Ngọc Quỳnh cũng lưu ý các thí sinh nên để ý tới bố cục bài viết, “tự do” không có nghĩa quá thoải mái về bố cục. Bài viết nên có phần mở đầu trước khi đi vào nội dung chính và phần kết thúc nhằm tổng kết lại vấn đề. Về phần thân bài, các em nên chia thành nhiều đoạn, trong đó mỗi đoạn là một ý để tránh được việc viết lan man, lặp ý hoặc đi lệch trọng tâm. Ngoài ra, khi nhìn vào sẽ thấy bài viết của các em có tổ chức, có bố cục rõ ràng, dễ tạo được thiện cảm. 

Bài luận cần được viết tay trên một mặt giấy A4, nếu viết 2 tờ trở lên thì các em nên bấm lại và cũng nên dành một phần nhỏ ở đầu trang để ghi thông tin cá nhân, thông tin liên lạc (họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại…) để phòng khi bài viết bị lạc giữa những bài khác.

Mê Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)