‘‘Phải thật sự đam mê và có sức chịu đựng mới theo đuổi ngành y. Nếu học để làm vui lòng cha mẹ hay vì một lý do nào khác thì chính bạn đang lãng phí tuổi trẻ vào một ngành cơ cực mà không biết bao giờ ra trường”, đây là một trong những lời tư vấn “cực chất” về ngành y của các thành viên trong Câu lạc bộ Hướng nghiệp của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM).
Các bạn học sinh đang nghe một thành viên trong CLB Hướng nghiệp tư vấn về ngành y |
Với mong muốn mang đến những cái nhìn đầy đủ về các ngành nghề theo cách hoàn toàn mới mẻ, khác biệt, suốt 2 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Hướng nghiệp đã miệt mài thổi “làn gió mới”, đưa hoạt động hướng nghiệp đến học sinh trong trường một cách gần gũi, thiết thực, không nhàm chán bằng những góc chia sẻ, góc du học, những buổi chuyện trò…
Hướng nghiệp theo… phong cách học sinh
Cách đây 2 năm, Nguyễn Quang Bảo Phúc (hiện đang học lớp 12CH2), khi đó mới vừa bước chân vào cổng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bắt đầu đối mặt với việc lựa chọn ngành nghề cho chính mình. Tuy nhiên, do nhận thấy những thông tin về hướng nghiệp chưa thật sự được phổ biến, việc tiếp cận về hướng nghiệp cũng chưa được học sinh quan tâm nên em đã mạnh dạn lập ra CLB Hướng nghiệp. “CLB không phải lập ra để đưa các bạn đến một cái đích nào đó mà chỉ là hỗ trợ nhận thức cho các bạn về những ngành nghề khác nhau như thế nào để đưa ra những quyết định phù hợp với bản thân, căn cứ vào năng lực, sở thích và nhu cầu thực tiễn của xã hội”, Phúc nhấn mạnh.
Từ nhận thức đó cùng phong cách học sinh, CLB không đi theo lối mòn thông thường mà luôn mang theo những màu sắc, cá tính riêng. Nếu các buổi “talk” (nói chuyện) hướng đến các ngành nghề qua chia sẻ của cựu học sinh hiện đang là sinh viên các trường ĐH thì “du học – kể chuyện cũ, góc nhìn mới” lại trang bị những kỹ năng xã hội, hoạt động ngoại khóa từ chính những trải nghiệm của các du học sinh. Với Youth Project lại đánh thức những tiềm năng khởi nghiệp cho các dự án non trẻ, khơi lên ngọn lửa khởi nghiệp… Đặc biệt, với mỗi một ngành nghề khác nhau, CLB Hướng nghiệp luôn lồng ghép những trò chơi để người tham gia được trải nghiệm các kiến thức về ngành nghề. Có thể là phiên tòa giả định với ngành luật sư, là kiểm tra độ khéo léo với ngành y hay cách xử lý tình huống, truyền đạt vấn đề với ngành sư phạm…
“Who I am là buổi “talk” hướng nghiệp về các ngành nghề marketing, thiết kế đồ họa, y và sư phạm. Thấu là góc nhìn về ngành tâm lý học, luật sư, phóng viên. Ở mỗi một căn phòng bí mật, các bạn tham gia sẽ được trải nghiệm những đặc tính về các ngành nghề đó (từ mảng sáng đến góc khuất hay kinh nghiệm học tập…) từ những nhân vật thú vị là cựu học sinh của trường để đưa ra những cái nhìn thấu đáo của chính mình về ngành nghề mà bản thân sẽ theo đuổi”, Trần Thúy YoKo (học lớp 11 chuyên Trung Nhật – Chủ nhiệm CLB) chia sẻ.
Với Góc chia sẻ, YoKo cho biết đó là những kinh nghiệm của không chỉ cựu học sinh mà còn ngay cả học sinh trong trường đã từng là thành viên trong một tổ chức cộng đồng. “Rất nhiều bạn bị “mắc cạn” khi tham gia các tổ chức cộng đồng như làm thế nào để tham gia, tham gia rồi thì phải cần những kỹ năng như thế nào để có thể “sống sót”, bùng nổ trong các hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó, các hoạt động xã hội như thế này lại trang bị rất nhiều kỹ năng cần thiết cho học sinh”, YoKo chia sẻ. Rồi Du học – kể chuyện cũ, góc nhìn mới lại là những câu chuyện du học rất thực tế từ chính các du học sinh. “Từ những câu chuyện đó, mỗi bạn sẽ không còn quá ảo tưởng về những giấc mơ ở xứ người. Biết được những mặt trái của du học để có hành trang phù hợp”, YoKo nhấn mạnh.
“Xuất khẩu” hoạt động hướng nghiệp
Trên fanpage (trang cá nhân) của CLB Hướng nghiệp có tới hơn 2.000 lượt theo dõi. Những chương trình, hoạt động của CLB, đặc biệt là tư vấn về các ngành nghề không chỉ thu hút học sinh trong trường mà có rất đông học sinh trường bạn tham gia. “Khi biết em sẽ theo nghề sư phạm, rất nhiều bạn bè và cả cha mẹ nói rằng nghề này bạc, rồi vất vả nhưng đồng lương lại eo hẹp. Sau khi tham gia buổi hướng nghiệp của CLB tổ chức, em đã có cái nhìn trọn vẹn hơn về nghề. Nghề nào cũng có mặt này, mặt kia. Chỉ cần mình thật sự đam mê, hết mình với nghề thì nghề sẽ yêu lại”, Lê Nguyễn (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn) chia sẻ.
Bên cạnh tổ chức những hoạt động hướng nghiệp, CLB còn thường xuyên được các giáo viên chủ nhiệm lớp 10 “đặt hàng” về lớp mình trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm học tập, định hướng nghề nghiệp. Thậm chí, mới đây CLB còn được Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) mời về trường để tư vấn cho học sinh khối 9 trong việc lựa chọn trường, lựa chọn hướng đi phù hợp. “Chúng em chỉ chia sẻ những trải nghiệm từ chính bản thân mình. Về phương pháp học tập hiệu quả, về ổn định tâm lý trước khi đi thi, về cách làm bài để đạt hiệu quả cao như đọc kỹ đề, câu dễ làm trước câu khó làm sau. Chọn trường phải phù hợp năng lực, thuận tiện đi lại”, Nguyễn Thụy Đan (thành viên CLB) nhớ lại.
Không chỉ hướng nghiệp cho các bạn, các thành viên của CLB còn tự… hướng nghiệp cho nhau. “Từ những kiến thức lượm lặt được qua chia sẻ của các anh chị cựu học sinh, cộng thêm sự tìm hiểu của mỗi người, chúng em sẽ giúp nhau đưa ra những mặt phù hợp và mặt chưa phù hợp của nghề để mỗi bạn tự áp dụng vào bản thân mình”, Đan cho biết. Hiện tại CLB Hướng nghiệp là ngôi nhà chung của 20 thành viên, chủ yếu là học sinh khối 11, sinh hoạt vào mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.
Ghi nhận tính thiết thực và cần thiết của CLB, cô Đỗ Ngọc Trâm Anh (Trợ lý thanh niên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết hướng nghiệp là điều các em học sinh cũng như phụ huynh cực kỳ quan tâm nhưng hiện nay còn khô khan và mang tính lý thuyết nhiều. Thông qua cách thể hiện, những hoạt động do các em trong CLB tổ chức thì các ngành nghề hướng nghiệp lại hiện lên rất gần gũi, mới mẻ và thực tế, đưa ra những hiểu biết gần như là trọn vẹn về ngành nghề.
Đỗ Yến
Bình luận (0)