Bảo mẫu hướng dẫn trẻ mầm non tự xúc cơm. Ảnh: N.Trinh |
Ở độ tuổi mầm non, trẻ vẫn còn thụ động không biết ứng phó kịp thời với những hoàn cảnh nguy cấp, chưa biết cách tự bảo vệ bản thân trước mọi nguy hiểm…
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó việc thiếu kỹ năng sống là nguyên nhân sâu xa nhất. Ở lứa tuổi mầm non, hầu hết các bậc cha mẹ luôn có thói quen làm thay cho trẻ vì sợ con làm hỏng việc. Các cô giáo lại muốn trẻ có kết quả nhanh nên hay dùng mệnh lệnh… Khi người lớn yêu cầu, trẻ luôn làm theo nhưng vẫn cảm thấy như mình bị sai khiến. Chính vì thế rất khó hình thành được những ý thức và kỹ năng trong đầu trẻ. Do đó, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là rất cần thiết. Có kỹ năng, trẻ sẽ biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm, từ đó mỗi ngày trẻ lại có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống. Khi đã tự tin thì trẻ sẽ chủ động hơn và biết cách xử lý các tình huống thành thục. Điều này còn giúp trẻ khơi gợi khả năng tư duy. Qua nghiên cứu và thực tế đã thực hiện tại trường mầm non, tôi xin đưa ra 3 giải pháp nhỏ trong việc dạy trẻ có kỹ năng sống:
Giáo viên phải hiểu và thực hiện tốt giáo dục kỹ năng sống
Theo đó, giáo viên mầm non không chỉ nắm được các nội dung dạy kỹ năng sống mà còn biết cách đưa kỹ năng sống vào trong các hoạt động dạy học như thế nào cho phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên phải hiểu được những yêu cầu và các thao tác về kỹ năng thì mới dạy được trẻ. Đồng thời người lớn phải tỏ ra mình là người sống có kỹ năng và luôn xác định việc hình thành kỹ năng sống thông qua ý thức con người chứ không phải bằng sai khiến, ép buộc từ người lớn. Dạy như thế nào để trẻ học và chơi thoải mái, trẻ thích học và giáo viên thích dạy. Muốn khuyến khích sự tích cực của trẻ, giáo viên phải biết khai thác, phát huy mọi năng khiếu và tiềm năng sáng tạo của các em.
Tuyên truyền đến phụ huynh về việc dạy kỹ năng sống cho trẻ
Thông qua những hoạt động, những buổi trò chuyện hay những chuyến tham quan mà trẻ được rèn luyện nhiều về kỹ năng sống. Chính vì thế nhà trường cần có sự hợp tác với gia đình để có sự giáo dục hòa hợp, tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Do quan điểm sống nên hầu hết các bậc cha mẹ ít quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ hoặc có giáo dục thì cũng không thường xuyên, bài bản. Cụ thể, cha mẹ chủ yếu vẫn làm hộ cho con cái thay vì hướng dẫn giải thích cho trẻ hiểu và làm theo. Tâm lý cha mẹ lúc nào cũng cảm thấy con mình còn bé bỏng không thể tự làm được mọi việc. Vì thế mà tạo cho trẻ thói quen ỷ lại, không cần làm và cũng không biết làm. Do đó, nhà trường phải có vai trò tuyên truyền đến phụ huynh về việc hình thành kỹ năng sống cho con cái.
Tạo môi trường thực hiện nhiệm vụ dạy kỹ năng sống cho trẻ
Môi trường là yếu tố không thể thiếu trong quá trình hình thành và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Vì vậy, giải pháp không thể thiếu là tạo môi trường phù hợp để giáo dục. Môi trường trong nhà trường phải theo phương châm lấy trẻ làm trung tâm, tạo cho trẻ biết cách giải quyết vấn đề. Thông qua những kinh nghiệm thực hành môi trường hoạt động để giáo dục trẻ mà ở đó người lớn phải luôn mẫu mực và làm gương cho trẻ noi theo. Tạo môi trường thân thiện với trẻ: Gần gũi thương yêu và luôn giúp trẻ thấy tự tin, thoải mái. Môi trường học tập phải tràn ngập tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu khát vọng và cả tính tò mò của trẻ. Một trong những phương tiện góp phần hình thành kỹ năng sống cho trẻ là hoạt động vui chơi. Thông qua các trò chơi, kỹ năng sống sẽ được hình thành và nó luôn có mặt trong cuộc sống của trẻ thơ
Nguyễn Thị Bích Thủy
(Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 5, Q.Phú Nhuận)
Bình luận (0)