Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nở rộ dịch vụ giữ trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Hầu hết các trường mầm non, tiểu học công lập đều trả trẻ trong thời gian 16g-17g trong khi giờ tan sở tại nhiều cơ quan từ 17g-18g… Muốn đón con đúng giờ, phụ huynh ai cũng phải “ăn gian” giờ làm việc.

Học sinh một trường tiểu học được đón về ăn trưa tại lớp bán trú vệ tinh cơ sở tin học – ngoại ngữ và bồi dưỡng văn hóa Tân Phú – Ảnh: Như Hùng
Ngày nào cũng vậy, cứ 17g là chị H. – nhà ở phường 1, quận Phú Nhuận, TP.HCM – ba chân bốn cẳng phóng xe ào ào ra khỏi cơ quan để đi đón con. Thế mà chị cũng chẳng theo được lịch của con. “Riết rồi mình trở thành phụ huynh cá biệt vì ngày nào cũng đón con trễ.
Quy định của công ty, mẹ không thể về sớm hơn trong khi ở trường mầm non mới 16g45 đã về gần hết, thường chỉ còn duy nhất con mình ở lại với cô. Có bữa kẹt xe, chạy được tới trường đã gần 18g, cô giáo trách móc: “Mẹ về trễ quá, cô cũng có con nhỏ chờ ở nhà”, con gái thì mếu máo, nước mắt ngắn dài…” – chị tâm sự.
Dịch vụ – trăm hoa đua nở
Tương tự, chị P. – có con học lớp 4 ở phường Tân Thành, quận Tân Phú – than thở: “16g30 bé tan trường trong khi mẹ 17g mới tan sở. Giờ cao điểm, chạy từ cơ quan mẹ ở quận 3 về Tân Phú mất gần một giờ nên không thể nào đón con được”. Không những thế, ở những quận huyện có tỉ lệ học sinh tiểu học bán trú thấp như Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp…các phụ huynh còn gặp phải nỗi lo khác: không có người đưa đón con và quản lý bé vào buổi chiều…
Vì những lý do trên, dịch vụ đưa đón học sinh, các điểm “vệ tinh bán trú” đang rất phát triển ở những quận vùng ven. Ngoài những “vệ tinh bán trú” của chính các trường tiểu học thực hiện như ở Trường tiểu học Lê Văn Tám, Đoàn Thị Điểm (quận Tân Phú)…, còn có hàng loạt điểm “vệ tinh bán trú” khác do tư nhân quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trọng Ái – hiệu trưởng cơ sở ngoại ngữ – tin học – bồi dưỡng văn hóa Tân Phú (một trong những điểm “vệ tinh bán trú” nổi tiếng ở quận Tân Phú), cho biết: “Sau giờ học chính khóa tại trường tiểu học, trung tâm sẽ đón các em về bằng xe buýt, cho các em ăn trưa rồi đi ngủ. Buổi còn lại trong ngày, học sinh sẽ được học tiếng Anh (hai buổi/tuần), đồng thời giáo viên của trung tâm sẽ giúp các em ôn bài cũ, chuẩn bị bài mới. Hiện trung tâm nhận đưa đón gần 100 học sinh tiểu học trên địa bàn Tân Phú”.
Ngoài ra, một địa chỉ được rất nhiều phụ huynh tín nhiệm là “gửi con ở nhà cô giáo”, nói như chị H. (quận Phú Nhuận): “Cô dạy con mình thì cô giữ con mình là ổn nhất. Tôi đã đề nghị nhưng cô giáo từ chối và giới thiệu một cô khác trong trường”. Chị H. kể: “Mới được ba ngày tôi đã phải xin… thôi. Cô này nhận đón tất cả 12 cháu từ 2-5 tuổi, mỗi chuyến xe cô chở bốn cháu, phía trước hai cháu, phía sau hai cháu, không đai, không dây ràng buộc gì cả, cứ cháu nhỏ ngồi giữa, cháu lớn ngồi đằng sau. Cho dù từ trường về nhà cô hơn 2km thì cũng rất nguy hiểm”.
Từ nỗi lo tai nạn giao thông, một số phụ huynh có điều kiện đã chọn giải pháp an toàn: tìm nơi đưa đón trẻ bằng xe bốn bánh. Một giáo viên tiểu học ở quận Tân Bình kể: “Trường thiếu phòng ốc nên không thể mở lớp bán trú, phụ huynh năn nỉ dữ quá, mình nhận lời và thuê xe 14 chỗ chở các em về nhà, nấu ăn trưa cho các em, buổi chiều các em sẽ ôn bài rồi đợi ba mẹ đến đón”.
Và để đáp ứng nhu cầu một số phụ huynh khá giả, các công ty giáo dục đã ra đời với chức năng: nhận đưa đón trẻ bằng taxi, phòng ngủ trưa của trẻ có máy lạnh, có giáo viên tiểu học kèm cặp trẻ ôn bài… Chủ đầu tư một công ty ở quận Tân Phú tâm sự: “Một số phụ huynh ở Tân Phú có con học tại Tân Bình cũng nhờ đón bé nhưng chúng tôi không đáp ứng hết vì đường đi quá xa, chỉ nhận các trường hợp thuộc địa bàn Tân Phú”.
Cần hành lang pháp lý
“Nhu cầu gửi con trái buổi, nhu cầu đón bé và giữ bé sau giờ tan trường là có thật và đang trở thành bức xúc của khá nhiều phụ huynh. Trong khi nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu này thì một số đơn vị đứng ra thực hiện. Tuy nhiên, hiện chưa có một hành lang pháp lý nào về vấn đề này khiến chúng tôi bối rối trong quản lý. Những lần đi kiểm tra, có cơ sở vệ tinh bán trú đã đề nghị chúng tôi cấp phép cho họ, nhưng Phòng GD-ĐT không biết dựa vào văn bản nào để cấp phép. Từ Bộ GD-ĐT, UBND TP đến Sở GD-ĐT TP chưa có văn bản nào quy định về việc các cơ sở “vệ tinh bán trú” phải đạt những tiêu chuẩn gì, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự ra sao… Nếu cấp phép, sau này lỡ có xảy ra sự cố gì thì dựa vào đâu để xử lý…” – ông Đặng Thanh Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, chia sẻ.
Do vậy, trên thực tế mỗi địa phương quản lý mỗi kiểu, có quận yêu cầu ngành GD-ĐT cấp phép, có quận giao về cho UBND phường… Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 9 kể: “Mới đây, có người đến Phòng GD-ĐT xin hướng dẫn thủ tục để thành lập cơ sở “vệ tinh bán trú” giữ trẻ sau giờ tan trường, nhưng tôi trả lời là hiện chưa có quy định nào về vấn đề này”. Và trên thực tế có khá nhiều cơ sở hoạt động chui (không trưng bảng tên, không làm ồn ào… chỉ nhận 10-15 học sinh) để không bị kiểm tra.
Thậm chí, chủ đầu tư một cơ sở còn “bật mí”: “Trưng bảng tên rất phức tạp, hết cơ quan này đến cơ quan kia tới kiểm tra và… làm khó. Khi chúng tôi hỏi thủ tục đăng ký cấp phép thì UBND phường chỉ qua Phòng GD-ĐT, phòng lại chỉ về UBND phường”.
Theo ông Tạ Tân – trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú: “Ở Tân Phú, đơn vị, cá nhân nào muốn mở cơ sở “vệ tinh bán trú” phải xin phép Sở GD-ĐT TP về việc thành lập cơ sở bồi dưỡng văn hóa, sau đó quận sẽ đi kiểm tra, nếu bếp ăn bán trú được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nữa thì mới được hoạt động. Thời gian qua khi chúng tôi đi kiểm tra, có nơi có phép nhưng lại do Sở Kế hoạch – đầu tư cấp phép kinh doanh về giáo dục chứ không phải Sở GD-ĐT”.
Cấm giáo viên mở lớp bán trú
Tại Đà Nẵng, nhiều trường đã cắt giảm dạy bán trú từ hai buổi xuống còn một buổi. Nhiều phụ huynh đã chọn bán trú tư nhân để gửi con. Trước tình hình này, Phòng Giáo dục – đào tạo quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã nghiêm cấm giáo viên không được mở lớp bán trú.
Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng – trưởng Phòng Giáo dục – đào tạo quận Hải Châu, hiện trên địa bàn có sáu cơ sở bán trú tư nhân được cấp phép hoạt động. Các cơ sở này đã đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh khi một số trường tiểu học đang bị quá tải. Theo Sở Giáo dục – đào tạo Đà Nẵng, nguyên nhân của việc quá tải ở các trường chủ yếu do số học sinh trái tuyến là con các cán bộ đang công tác tại khu vực trung tâm vào học.
ĐOÀN CƯỜNG

  HOÀNG HƯƠNG

Theo Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)