Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Áp lực giữ quỹ lớp: Chưa học bơi đã phải… xuống nước

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc cho quy định lớp học không được lập quỹ; mặc cho các em được bầu là thủ quỹ không biết quản lý tiền bạc thì quỹ lớp vẫn tồn tại. Để tránh những chuyện đau lòng, phải chăng đã đến lúc không thể để các em tự xuống nước khi chưa… học bơi.

Cô trò đều lúng túng

Ở nhiều trường học, quỹ lớp thu công khai nhưng vẫn được coi là “quỹ ngầm” vì không đúng với quy định. Khoản này dùng để phục vụ cho các hoạt động riêng của học trò nên ít giáo viên, nhà trường cũng như phụ huynh can thiệp đến. 

Vì lẽ đó, dù quỹ lớp tồn tại nhưng học sinh (HS) ít nhận được sự hỗ trợ, chỉ dẫn về việc quản lý, chi tiêu tiền bạc từ người lớn. Có người còn ví HS giữ tiền quỹ lớp chẳng khác nào chưa học bơi nhưng đã bị đẩy xuống nước.
Học trò trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM học về quản lý tiền bạc. 
Chính giáo viên (GV) cũng khó xử với khoản thu này. Họ rất e ngại giữ khoản tiền quỹ thay học trò vì đây là khoản thu không có trong quy định, hơn nữa GV cầm tiền HS rất dễ mang tiếng. Thông thường, GV chỉ can thiệp khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn liên quan đến quỹ lớp chứ không ai muốn lãnh thêm trách nhiệm không nằm trong quy định nên đành “phó thác” cho HS được tin tưởng.
Ở nhiều lớp, ngoài khoản tiền đóng góp hàng tháng, các HS còn tổ chức các hoạt động quyên góp khác như nuôi heo đất, kinh doanh hàng lưu niệm, tổ chức hội chợ… để gây quỹ thì việc GV giữ tiền càng thêm bất tiện.
Bà Nguyễn Thị Lan Minh, chuyên viên Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay với thực trạng quỹ lớp tồn tại một cách tự phát, HS phải tự xoay xở như hiện nay, một số em mang danh thủ quỹ đang phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ mà các em không được đào tạo. Cùng với việc thiếu kỹ năng trước các tình huống xấu là nguyên nhân dẫn đến chuyện đau lòng khi HS đưa cái chết ra để “đền tội”.
“Quỹ lớp là quỹ chung tại sao lại đặt gánh nặng lên vai một hai em? Ở độ tuổi các em vẫn rất mải chơi, một gánh nặng, áp lực như vậy là không công bằng với các em”, chuyên viên này bày tỏ.
Cần giúp HS trưởng thành từ quỹ lớp
Bà Phạm Thị Huệ, hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TPHCM cho hay việc có quỹ lớp là cần thiết vì sẽ xây dựng tính tự quản cho HS, giúp các em biết cần giữ tiền, quản lý tiền như thế nào. Ở trường, HS nhiều lớp chủ động xây dựng kế hoạch giúp đỡ bạn bè, chương trình ngoại khóa từ nguồn quỹ của chính mình.
Theo bà Huệ, không chỉ tiền quỹ lớp mà các em có thể gặp nhiều sự cố khác liên quan đến tiền bạc như làm mất tiền bố mẹ, ban bè, vay nợ… Thế nên, kể cả HS có giữ tiền quỹ lớp hay không thì cũng rất cần có chương trình về giáo dục kỹ năng quản lý tài chính và kỹ năng xử lý tình huống cho các em. 
Còn thực tế hiện nay, trường chỉ có thể hỗ trợ các em bằng cách giao cho GV chủ nhiệm giữ quỹ để tránh rủi ro. Nhiều lớp học trò giữ tiền thì trường giao trách nhiệm cho GV chủ nhiệm dặn dò, lưu ý các em.
Việc quản lý tiền bạc là kỹ năng sống cần thiếp giúp các em làm chủ các hoạt động của mình.
Bà Lan Minh cho rằng, kỹ năng quản lý tiền bạc là kỹ năng sống cần thiết mà tất cả mọi người cần được trang bị từ nhỏ. Giáo dục cho HS quản lý quỹ lớp sẽ giúp các em hiểu hơn về giá trị cũng như phương thức quản lý đồng tiền.
Trong nhiều năm qua, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em và Quỹ Citi triển khai dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh THPT”. Trong đợt 3 của dự án từ tháng 11/2011 đến cuối tháng 6/2012 tại 49 trường, có đến 6.700 HS hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động này.
Năm nay, dự án tiếp tục được triển khai tại 100 trường THPT gồm 50 trường đã tham gia giai đoạn 3 và 50 trường mới tham gia dự án. Mục tiêu dự án nhằm cải thiện kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho HS giúp cá em có quyết định chi tiêu một cách thông minh, thiết lập và theo dõi nhân sách, biết đến các dịch vụ tài chính…

Qua đó, giúp các em biết quản lý tài chính và làm chủ các hoạt động của mình. Điều này giúp các em trưởng thành thành rất nhanh, được làm quen để trau dồi tổ chất tổ chức, kế hoạch, thực hiện các dự án…

Thay vì quỹ lớp lúc nào cũng kè kè bên người HS, theo bà Minh nhà trường cần có có biện pháp an toàn hơn cho các em. Nếu thầy cô chủ nhiệm khó xử thì nhà trường còn có bộ phận kế toán, bộ phận tài chính có thể mở tài khoản theo kiểu “tiết kiệm ngắn hạn” giúp các lớp quản lý đồng tiền ngay tại trường. Vừa giúp các em giữ tiền và có thể hướng dẫn các em chi tiêu đồng tiền của mình làm chủ một cách phù hợp.
Ngoài ra, các em cũng cần được trang bị kỹ năng ứng phó vì bà Minh cho rằng "việc các em có hành vi dại dột, đau lòng là do các em chưa biết cách để vượt qua sự cố như thế nào". 
Bà Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, Trợ lý dự án Giáo dục tài chính (Tổ chức Save the children) cho hay, ở độ tuổi 13 – 18, các em HS đã có tâm lý muốn làm chủ các khoản chi tiêu của mình như mua dụng cụ học tập, đồ chơi, quần áo, các hoạt động… Nhưng theo khảo sát, các em lại rất thiếu hụt kiến thức, kỹ năng quản lý tiền bạc.
Việc cấm lập quỹ lớp, theo bà Tiên chỉ mới giải quyết tạm thời một phần rất nhỏ trong các nhu cầu của HS liên quan đến tiền bạc. Vì thế, các em cần được trang bị tốt những kỹ năng liên quan đến việc làm ra tiền, chi tiêu, lập ngân sách, tiết kiệm, cất trữ tiền… Đây cũng là tiền đề để các em quen dần với việc quản lý những khoản tiền lớn hơn như lương khi đi làm, quản lý quỹ tập thể hay quản lý chi tiêu cho gia đình.
“Trong quá trình đó, các em rất cần được cha mẹ và thầy cô đồng hành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, nhất là khi đối diện với những khó khăn bất ngờ”, bà Khánh Tiên nhấn mạnh.  
“Chúng ta phải cân nhắc khi để trẻ giữ tiền vì điều này thật sự gây áp lực cho các em. Theo tôi, chỉ HS từ bậc THPT mới nên giữ tiền quỹ lớp nhưng phải chuẩn bị cho các em các kỹ năng cơ bản về đồng tiền mà mình giữ. Còn không các em sẽ dễ rơi vào các tình huống như đánh mất, tiêu quá tay… mà không có kỹ năng xử lý thì quá nguy hiểm. Những HS ở bậc thấp hơn nên bắt đầu được học về kỹ năng quản lý đồng tiền”. – TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh
“Ở bậc tiểu học tuyệt đối không nên để HS giữ tiền quỹ lớp. Ngay cả tiền chi tiêu cá nhân, là giai đoạn đầu làm quen với tiền bạc, các em chưa cần có khoản tiền riêng mà bố mẹ sẽ kiểm soát việc cho và chi tiền của con sao cho hợp lý. Qua đó cũng giáo dục các em ứng xử với đồng tiền. Với bậc học lớn hơn, khi để HS giữ tiền, nhà trường và phụ huynh phải biết các em có khả năng, kỹ năng giữ tiền hay không và phải luôn quan tâm đến vấn đề này cùng trẻ”. – – Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM

Hoài Nam

(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)