Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên giúp dân trồng cà phê

Tạp Chí Giáo Dục

Lê la cà phê bệt khắp Sài Gòn, nhóm bạn đến từ đội SIFE Trường ĐH Ngoại thương TPHCM đã yêu cây cà phê lên với người dân các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, giúp người dân trồng cà phê.

Các bạn sinh viên cùng người dân sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê.
Nhóm bạn này còn mở những diễn đàn để những doanh nhân, chuyên gia về thương hiệu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn sinh viên.
Từ cà phê bệt lên rừng cà phê
Ít ai ngờ, từ những câu chuyện phiếm, chém gió bên ly cà phê bệt, nhóm bạn đã tìm tòi tài liệu về nguồn gốc, lịch sử, quá trình làm ra được ly cà phê thơm ngon cũng như nỗi vất vả, cực khổ của người dân trồng cà phê.
Phải làm điều gì đó có ích cho người dân, đồng thời nâng tầm thương hiệu cà phê Việt là mục đích để các bạn trẻ chung chí hướng quy tụ về thành một nhóm.
Những chuyến phượt lên Tây Nguyên, nhóm bạn đều tranh thủ ghé thăm các khu rừng trồng cây cà phê, trò chuyện cùng bà con trồng rừng. Cả nhóm còn xin ở lại cùng ăn, cùng làm với người dân. “Đó là những trải nghiệm quý báu và tuyệt vời”, Trần Minh Thư, trưởng nhóm cho biết.
Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại đổ đi hàng đống vỏ cà phê. Vỏ cà phê khó phân hủy, cây không hấp thụ được chất dinh dưỡng, gây ô nhiễm môi trường và làm phát tán nhiều mầm bệnh.
Vỏ cà phê chất đống sau vườn, người dân phải mang đốt không những khiến môi trường bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng sức khỏe.
“Cứ một tấn hạt được thu hoạch sẽ phát sinh 700kg vỏ. Tính trung bình mỗi năm, một hộ trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên thải ra cả chục tấn vỏ. Tụi mình bắt tay vào giúp người dân bằng việc xử lý số vỏ cà phê thành phân vi sinh”, trưởng nhóm Trần Minh Thư cho biết.
Kế hoạch rất hay nhưng kinh phí là điều quá khó khăn đối với cả nhóm. Với số tiền các bạn đóng góp lại, chưa chắc đã giúp đỡ được một hộ gia đình trồng cà phê. Để có tiền, cả nhóm bắt tay thực hiện chuỗi chương trình “Sinh viên và câu chuyện cà phê”.
Chương trình được rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê, các Cty, xí nghiệp hỗ trợ. Mỗi chương trình đều có các diễn giả chia sẻ những kỹ năng, kế hoạch khởi nghiệp, lập nghiệp.
Những câu chuyện kinh doanh thú vị liên quan đến cà phê không những thu hút SV các ngành Kinh tế mà còn lôi cuốn nhiều SV học các chuyên ngành khác tham gia.
Giúp dân tiết kiệm 1/3 chi phí sản xuất
Đặng Đức Quang, một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Người dân trực tiếp trồng, chăm sóc cây cà phê phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con thường sử dụng phân hóa học như một sự lựa chọn tất yếu, vừa nhanh chóng, sạch sẽ và tiện lợi. Tuy nhiên, về lâu dài thì đất đai sẽ mất chất dinh dưỡng khiến chất lượng cây trồng đi xuống. Nếu dùng phân vi sinh, người dân sẽ tiết kiệm 1/3 chi phí sản xuất, năng suất cây cà phê sẽ tăng. Mặt khác, chi phí để làm ra một tấn phân hữu cơ chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng, trong khi hiện tại trên thị trường giá phân hữu cơ hơn 5 triệu đồng/tấn”.
Phạm Quỳnh Trang, thành viên dự án chia sẻ cách ủ phân vi sinh: “Lấy 700 kg vỏ cà phê khô, cộng thêm 250 kg phân chuồng (phân heo, bò), 50 kg phân lân, sau đó hòa 2 kg men Cabi vào 200 lít nước, tưới lên hỗn hợp trộn đều lại với nhau. Dùng tấm bạt phủ kín, tạo một số lỗ thông hơi để ủ lên men tốt. Khoảng 10 ngày sau, mở tấm bạt ra tưới thêm nước và trộn đều hỗn hợp. Cứ làm đi làm lại như thế khoảng 2, 3 lần, khi nào thấy đống ủ chuyển sang màu đen, bóp vỏ cà phê thấy mềm như mùn thì hỗn hợp đã thành phân hữu cơ. Loại phân này có thể dùng bón ngay cho cây trồng. Nếu bà con muốn dự trữ để dùng trong thời gian dài hơn thì có thể sấy khô cho vào bao để dành”.
Là SV ngành Kinh tế, thế nhưng khi hỏi về đặc điểm, tính chất các loại phân bón, cách ủ phân, các thành viên trong nhóm nói vanh vách. Những ngày đầu, người dân không tin là sinh viên lại giúp đỡ được họ. “Có người trêu tụi em là múa rìu qua mắt thợ”, một thành viên kể.
Nghe nói đến phân, nhiều bạn trẻ không khỏi thấy ghê sợ. Tuy nhiên, với các thành viên của nhóm, phân vi sinh không những đã giúp đỡ được bà con trồng cà phê mà còn chứng minh được năng lực, nhiệt huyết của cả nhóm.
Đến nay, cả nhóm đã hướng dẫn thí điểm cho gần 100 hộ dân ở một số huyện thuộc 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, làm được gần 400 tấn phân hữu cơ, tiết kiệm cho người dân hơn 2 tỷ đồng.
Huỳnh Quốc Trung, một thành viên trong nhóm cho biết: “Mục đích lớn nhất của tụi mình là mỗi người dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đều có thể tự sản xuất phân bón ngay chính trên mảnh vườn của mình”.
Lê Quang Minh
Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)