Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cô hiệu trưởng và sáng kiến giáo viên giúp học trò nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Với sáng kiến "Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ 1 học sinh nghèo" của cô Minh Huyền, tình trạng HS bỏ học đã giảm hắn. Cũng nhờ vậy, phong trào thi đua học tốt, dạy tốt được khơi dậy, góp phần xây dựng thành công trường chuẩn quốc gia ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An).

Sinh ra ở miền núi cao Quỳ Châu (Nghệ An), từ nhỏ Nguyễn Thị Minh Huyền đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo, đưa con chữ đến với trẻ em ở những bản làng heo hút của vùng cao này. Năm 1989, tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Miền núi Nghệ An, cô Huyền được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Châu Bình 1 ở xã Châu Bình, một trong những xã nghèo và khó khăn nhất của huyện Quỳ Châu. Với những đóng góp nổi trội của mình, sau 2 năm công tác, cô Minh Huyền được đề bạt làm phó hiệu trưởng nhà trường.
Nhận thấy tố chất gây dựng phong trào nơi cô giáo trẻ này, năm 2003, Phòng GD-ĐT Quỳ Châu đã bổ nhiệm cô giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình 4 – ngôi trường vùng sâu, vùng xa thuộc hiện khó khăn nhất của huyện. Đứng trước nhiều thử thách, không ít người lo lắng bởi người giáo viên (GV) trẻ, sức vóc nhỏ nhắn ấy bám trụ thế nào giữa bộn bề khó khăn. Đáp lại tình cảm của mọi người, cô chỉ cười: “Càng khó khăn, càng có cơ hội để rèn luyện ý chí, bản lĩnh và tâm huyết của GV vùng cao”. 

Cô Nguyễn Thị Minh Huyền (bên trái) trao đổi với đồng nghiệp.
Về trường mới, điều đầu tiên vị hiệu trưởng này xác định phải làm ngay là khơi dậy niềm đam mê, tâm huyết với nghề của đội ngũ GV. Cô cùng tập thể lãnh đạo nhà trường phối hợp với tổ chức công đoàn phát động các phong trào thi đua; xây dựng các cơ chế kích cầu trong hoạt động giáo dục. Một trong những khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy và học ở đây là tình trạng học sinh (HS) bỏ học. Một phần vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, phần vì hoàn cảnh gia đình các em đều nghèo, và quan trọng hơn là nhận thức chưa đúng của các bậc phụ huynh đối với việc học tập của con em mình.
Bởi vậy, với cương vị hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh thay đổi cơ chế, phương pháp giáo dục để kéo các em tới lớp, cô Huyền đến từng bản, vào từng nhà vận động HS quay trở lại lớp học. Với việc xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa nhà trường và các tổ chức chính trị, xã hội địa phương, sự nghiệp giáo dục tại xã khó khăn này nhận được nhiều hơn sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần của các cấp chính quyền và Hội cha mẹ HS… Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường đã có những chuyển biến vượt bậc, tình trạng HS bỏ học giảm dần qua từng năm.

Với phong trào "Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ 1 học sinh nghèo", tình trạng học sinh bỏ học đã giảm đáng kể, góp phần đưa Trường Tiểu học Châu Hội 1 vươn lên đạt chuẩn quốc gia.
Công tác dạy và học ở Trường Tiểu học Châu Bình 4 dần đi vào quỹ đạo thì cô Nguyễn Thị Minh Huyền nhận được quyết định điều chuyển tới Trưởng Tiểu học Châu Hội 1. Đây là ngôi trường có cơ sở vật chất thiếu thốn vào bậc nhất huyện. Trường có nhiều điểm lẻ nằm rải rác, có khi cách xa cả buổi đường rừng. Tỷ lệ HS bỏ học luôn ở mức cao và chất lượng giáo dục luôn ở tốp “đội sổ”.
Lần này, đọc được nỗi lo lắng hiện trên khuôn mặt người thân và những đồng nghiệp, cô lại tự động viên mình: “Cấp trên có tin tưởng mới giao cho mình”. Cô Minh Huyền tâm sự: “90% HS của trường thuộc diện hộ nghèo. 4 năm trước, năm nào cũng có HS bỏ học vì nghèo đói. Nhìn các em đi học trong đói rách và thiếu thốn đủ bề, thương lắm”.
Tình yêu nghề và tình cảm của một người mẹ đã thôi thúc cô phải làm gì đó để giúp các em, để con đường đến với con chữ của học trò nghèo nơi đây bởi gian nan, gập ghềnh hơn. Được sự nhất trí cao từ tập thể, giáo viên nhà trường, một cuộc vận động lớn đã diễn ra ngay tại ngôi trường khó khăn, thiếu thốn nhất nhì huyện này.
Cô Võ Thị Lộc – Trưởng phòng GD-ĐT Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết: “Cô Nguyễn Thị Minh Huyền là người sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được tổ chức phân công, dù biết nhiệm vụ đó là khó khăn đối với mình. Ở trường nào cũng vậy, nhất là ở Trường Tiểu học Châu Hội 1, cô đã thành công trong công tác quản lý nhà trường. Thành công được là do cô dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu và có uy tín cao trong cộng đồng”.
Cứ vào đầu năm học, mỗi cán bộ, GV trong trường lại đăng ký giúp đỡ một vài em HS có hoàn cảnh khó khăn nhất. Sự giúp đỡ của các thầy cô giáo có thể tùy theo khả năng, có thể là phụ đạo cho các em ngoài giờ lên lớp, mua sách vở, quần áo khi năm học mới bắt đầu, đưa đón học sinh tới trường hay nấu cơm trưa cho các em…
“Dù cuộc sống của GV vùng cao chưa hết khó khăn, nhưng bằng cái tâm với nghề, cái tâm của một người mẹ, người cha, các thầy cô giáo nơi đây đang làm đủ mọi cách để kéo các em tới lớp. Sau 4 năm thực hiện, có thể nói là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ một em học sinh nghèo” của trường đã có những thành công lớn. Tình trạng HS bỏ học giảm hẳn, năm 2010, Trường Tiểu học Châu Hội 1 được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, GV của trường”, cô Huyền tâm sự.
Không những có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, kinh nghiệm giải quyết tình trạng HS bỏ học, hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền còn có 2 sáng kiến về “Nâng cao chất lượng đội ngũ trong xây dựng trường chuẩn quốc gia” và “Huy động xã hội hóa giáo dục ở địa phương vùng khó” được các cơ quan quản lý giáo dục xếp hạng. Những sáng kiến, kinh nghiệm này đã được phổ biến rộng rãi tại các trường khó khăn trên địa bàn toàn huyện.
Hoàng Lam
(Dân trí)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)