Về khái niệm, dạy học theo hướng tích hợp liên môn là dạy những nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn. Tích hợp là nói đến phương pháp và mục tiêu của hoạt động dạy học, còn liên môn là đề cập tới nội dung dạy học.
Giờ tự học của học sinh khối 12 Trường THPT Trần Văn Giàu (TP.HCM). Ảnh: P.N.Q |
Đã dạy học tích hợp thì chắc chắn phải dạy kiến thức liên môn và ngược lại, có nghĩa là để đảm bảo hiệu quả của dạy liên môn thì phải hướng tới mục tiêu tích hợp.
Ở mức độ thấp, dạy học tích hợp mới chỉ là lồng ghép những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học một môn như: lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… Còn mức độ tích hợp cao là phải xử lý các nội dung kiến thức trong mối liên quan với nhau, bảo đảm cho học sinh vận dụng được tổng hợp các kiến thức đó một cách hợp lý để giải quyết những vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; đồng thời tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn khác nhau. Chủ đề tích hợp liên môn là những chủ đề có nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn, thể hiện ở sự ứng dụng của chúng trong cùng một hiện tượng, một quá trình trong tự nhiên hay xã hội. Ví dụ: Kiến thức vật lý và công nghệ trong động cơ, máy phát điện; kiến thức lịch sử và địa lý trong chủ quyền biển, đảo; kiến thức ngữ văn và giáo dục công dân trong giáo dục đạo đức, lối sống… Có thể coi đó là sự giao thoa về nội dung, có mối quan hệ mật thiết với nhau của các bộ môn cùng lĩnh vực. Chủ đề tích hợp liên môn được “tỏa sáng” khi giáo viên biết vận dụng thực tế, liên hệ với tình hình thời sự xã hội và cuộc sống. Khi đó các chủ đề này được bổ sung vào kế hoạch dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường. Cùng một vòng tròn đồng tâm nhưng bán kính tri thức được mở rộng để học sinh có thể hiểu sâu và hiểu đúng vấn đề. Có như vậy mới hướng đến được mục đích xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.
Dạy học tích hợp liên môn ở một mục đích khác còn giúp giáo viên và học sinh khắc phục được các bất cập trong nội dung chương trình và phương pháp dạy học thời gian qua. |
Khi xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp liên môn, giáo viên cần theo mẫu, chia ra các cột như: Tên bài, địa chỉ (tích hợp vào nội dung nào của bài), nội dung tích hợp (những kiến thức, kỹ năng, chủ đề có thể tích hợp, lồng ghép), mức độ tích hợp… Bảng mô tả quan hệ của nội dung chủ đề với các môn học có các cột: Nội dung chủ đề, môn 1, 2, 3, 4 (lớp nào, nội dung tích hợp gì)… Thực tế cho thấy giảng dạy tích hợp liên môn đem lại lợi ích là kích thích giáo viên tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau để có một phông kiến thức sâu, rộng đủ đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của dạy học hiện nay. Bên cạnh đó, học sinh cũng hứng thú với tiết học hơn, dễ hiểu và hiểu sâu nội dung bài học. Đặc biệt, các em sẽ có những chuyển biến rõ rệt trong khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Từ đó, các tiết học càng sinh động, càng hấp dẫn và thu hút các em hơn.
Từ những lý do trên, chúng ta cần tích cực dạy học theo hướng tích hợp liên môn nhằm không ngừng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Xóa bỏ cách dạy đơn điệu, cũ mòn trước đây (dạy học máy móc, rập khuôn) dễ thui chột trí sáng tạo và óc tưởng tượng của người học. Có như vậy mới khuyến khích học sinh năng động, vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn, tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Không chỉ tiếp nhận mà các em còn biết xử lý tri thức theo cách riêng của bản thân. Đó là tính ứng dụng và thực tế của phương pháp dạy học tích hợp liên môn.
Nguyễn Tấn Khiêm
(Trung tâm Kỹ thuật – tổng hợp hướng nghiệp
huyện Hóc Môn, TP.HCM)
Bình luận (0)