HS ngày càng thiếu vốn sống thực tế (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Lâu nay, khi nhắc đến môn văn, đa số học sinh (HS) đều ngao ngán và có phần sợ khi phải đối mặt với môn học này. Khi chúng tôi hỏi một số HS THCS về cách sử dụng từ làm sao để cùng một đoạn văn có nhiều từ ngữ phong phú trong cách diễn đạt, các em ngồi lặng thinh hồi lâu mới nói: “Vốn từ của chúng em chỉ có vậy nên rất khó khăn khi diễn đạt thành câu văn, đoạn văn hay”.
Ông bà ta thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” để ám chỉ về vốn từ vựng với ngữ nghĩa vô cùng phong phú của tiếng Việt trong cách diễn đạt. Mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống khác nhau người sử dụng phải biết khéo léo dùng vốn từ của mình diễn đạt sao cho câu văn, đoạn văn trở nên phong phú, mềm mại, có tính gợi hình ảnh hơn. Thế nhưng, thực tế đã có bao nhiêu em HS thực hiện được việc này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Các em đã được trui rèn về cách sử dụng vốn từ tiếng mẹ đẻ hiệu quả chưa? Câu trả lời là chưa thực hiện triệt để việc này vì chúng ta vẫn thường thấy sản phẩm của các em HS ở các kỳ thi cuối cấp với những bài văn nghị luận hết sức mơ hồ qua cách dùng từ, diễn đạt đến… ngây ngô.
Vấn đề cần bàn ở đây chính là hiện tượng các em HS đang “đói” vốn từ. Có thể nói vốn từ tiếng Việt rất quan trọng để các em hình thành nên những câu văn, đoạn văn và sản phẩm cuối cùng là bài văn. Nhưng một khi vốn từ không có nhiều thì chắc chắn rằng, việc diễn đạt sẽ hạn chế và việc tiếp cận với môn văn cũng sẽ khó khăn cho chính bản thân người học cũng như cho người thầy khi giảng bài. Nguyên nhân của việc HS “đói” vốn từ là do chương trình sách giáo khoa hiện nay chưa chú ý tới việc thiết kế chương trình như thế nào là vừa sức, thế nào là hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi và sự nhận thức của các em.
Trong chương trình những năm 1995-2000 của môn tiếng Việt đã phân rạch rõ ràng từng thời điểm, từng nội dung kiến thức để các em nắm. Cụ thể ở phân môn từ ngữ, các em khối lớp 4-5 được học cách phân biệt về từ loại (danh từ, động từ, tính từ), cách nhận biết về loại từ (từ đơn, từ ghép, từ láy), các bài học về từ đồng âm, từ đồng nghĩa, trái nghĩa hay từ nhiều nghĩa qua nhiều ví dụ thực tế. Chính điều này, các em đã được cung cấp và có cơ hội sử dụng nhiều về vốn từ đã được học cho những cấp lớp sau càng ngày càng hiệu quả hơn. Vốn từ phải được cung cấp theo dạng “mở” để các em tiếp cận, trui rèn. Có như vậy, các em mới phát triển mạnh về ngôn phong trong khi nói, phát triển vững hơn về cách diễn đạt qua sản phẩm là bài văn.
Hiện nay, ngoài việc HS thiếu sự va chạm trong việc sử dụng vốn từ tiếng Việt để trao đổi, để diễn đạt thì các em còn gặp trở ngại là “thiếu vốn sống thực tế”. Các em không có những cơ hội để va chạm, để tự lập với cuộc sống qua đó tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Ngày nay các em đã được người lớn “hỗ trợ”, tiếp sức quá nhiều từ việc nhỏ đến việc lớn. Do đó, khi gặp một vấn đề khó khăn trong cuộc sống, các em không có kĩ năng để xử lí. Đây cũng là điều chúng ta cần quan tâm vì thực tế “tre già măng mọc”, tre già rồi mà măng vẫn chưa đủ lớn, đủ khôn thì không thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống vì các em không có vốn sống từ thực tế.
Với những chia sẻ trên, chúng tôi cho rằng việc chúng ta cần suy nghĩ thêm chính là phải cung cấp cho các em vốn từ như thế nào và các em sẽ tiếp cận, rèn luyện nó để trở thành công cụ hữu dụng trong giao tiếp hằng ngày, giúp các em hình thành và phát triển kĩ năng diễn đạt. Song song đó, chúng ta phải tạo ra cho trẻ những tình huống “có vấn đề” để các em tự suy nghĩ, giải quyết và trải nghiệm một cách rõ nét nhất về cuộc sống. Có như vậy, các em mới thật sự phát triển theo đúng qui luật “tre già măng mọc” mà ai ai trong chúng ta cũng hiểu về ý nghĩa của lớp người kế thừa.
Trần Minh Duy
(Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc)
Bình luận (0)