Các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã chọn múa rối, mượn lời những con thú đáng yêu làm nhân vật lột tả hết bản chất của bệnh trầm cảm để mọi người nhìn nhận và đối diện căn bệnh này nhẹ nhàng hơn.
Sân khấu rối truyền tải kiến thức, thông điệp về căn bệnh trầm cảm thu hút đông đảo bệnh nhân và người dân. Ảnh: Thanh Trần.
Sân khấu dã chiến bên góc hành lang, kê bao nhiêu ghế cũng không đủ. Bệnh nhân, người nhà, cả những người dân lâu nay coi trầm cảm là căn bệnh kỳ thị vây quanh suốt cả buổi diễn.
Nhận diện trầm cảm
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân (Trưởng khoa Tâm thần trẻ em) cho hay bệnh viện có không ít chương trình nâng cao hiểu biết, hướng dẫn chữa trị trầm cảm cho cộng đồng, nhưng chỉ nghe suông, đem lại hiệu quả không cao. Để trực quan sinh động, các bác sĩ đã viết kịch bản và chọn hình thức múa rối truyền đi thông điệp về căn bệnh này. “Chúng tôi chọn nhân vật là những con thú như Thỏ, Sóc, Voi…để mọi người, nhất là người bệnh khi bắt gặp hình ảnh mình trong những con vật đáng yêu này sẽ thấy dễ chịu hơn. Đồng thời kích thích sự tò mò, hiếu kỳ của các bé không may mắc bệnh”, bác sĩ Vân lý giải.
Bối cảnh câu chuyện diễn ra trong ngày đầu xuân, khi vạn vật nô nức chào năm mới thì Thỏ ủ rũ, không muốn tiếp xúc với bạn bè, chỉ muốn ở một mình. Những con thú còn lại hỏi có bị ốm không thì Thỏ khẳng định không. Thấy dấu hiệu bất thường, tất cả đã đưa Thỏ đến gặp bác sĩ Voi. Ở đó, Thỏ khai chẳng biết mình bị gì, chỉ biết là không hứng thú với mọi chuyện, tâm trạng buồn chán không lý do, đêm không ngủ được, ngày không buồn ăn. Thỏ nói thấy mình tồi tệ và xấu hổ trước mặt mọi người, cũng không thể tập trung học tập, đi lại thì chậm chạp hẳn và rất nhiều lần có ý định muốn chết. Bác sĩ Voi kết luận Thỏ rất có thể mang bệnh trầm cảm.
“Có thể khi kê những dấu hiệu trầm cảm lên bảng, mọi người sẽ khó hình dung ra mình có mắc bệnh này hay không. Nhưng những dấu hiệu ấy được lột tả sinh động qua nhân vật Thỏ và sự giải đáp của bác sĩ Voi thì chắc chắn những người ngồi trước sân khấu sẽ nhận diện được căn bệnh này. Trước đây, rất nhiều trường hợp bị mệt mỏi, lo âu, ăn không tiêu, khó chịu… vì không biết là một trong những dấu hiệu của trầm cảm đã tùy tiện đi khám và điều trị “loạn xạ” nên không có kết quả tích cực”, bác sĩ Vân nói thêm.
Chị Hồ Thị Anh Việt (30 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ôm lấy cậu con trai, thở phào: “Con tôi 3 tuổi rồi nhưng chậm nói, hàng xóm cứ xôn xao cháu bị trầm cảm, tự kỷ làm cả nhà đứng ngồi không yên. Lúc sáng tới đây được xem rối, thấy con mình không có dấu hiệu giống nhân vật Thỏ nên tui thấy nhẹ cả người. Chiều nay đi khám thì bác sĩ nói là cháu bị rối loạn ngôn ngữ thôi. Tôi rất mong những sân khấu như thế này đến gần hơn với người dân, để mọi người tiếp cận, phân biệt được đâu là trầm cảm”.
Điều trị được, đừng kỳ thị
Màn múa rối tiếp tục cuốn hút người xem bởi đoạn tháo nút của bác sĩ Voi khi kê đơn thuốc cho Thỏ và khẳng định trầm cảm có thể điều trị được. Bác sĩ Voi cũng kêu gọi mọi người lôi Thỏ vào các hoạt động cộng đồng, cùng quan tâm giúp đỡ Thỏ hơn. Chính những hoạt động có sự tương tác ấy sẽ giúp Thỏ sớm khỏi bệnh. Bên dưới dãy ghế, tiếng bàn tán rộ lên khi ngộ ra trầm cảm không đáng bị xa lánh và ghê sợ như trước đây mọi người lầm tưởng. Nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ mắc trầm cảm mừng ra mặt khi biết chuyên tâm điều trị, trầm cảm sẽ hết.
Bác sĩ Vân kể thêm vì không hiểu biết, không ít người khi nghe bác sĩ kết luận đã mắc bệnh trầm cảm cứ chối đẩy, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Họ cho rằng bản thân chưa hề “điên khùng”, nhà cũng không có ai trầm cảm thì làm sao mắc được? Có trường hợp rơi vào khủng hoảng vì lo sợ những người xung quanh sẽ miệt thị, khinh thường bản thân. Bác sĩ Vân nói: “Chúng tôi hy vọng khi đã nhận diện được trầm cảm, những người mang bệnh hãy bình tâm vì căn bệnh này hoàn toàn chữa được. Và mọi người xung quanh đừng nhìn họ với con mắt khác thường, hãy lôi họ ra khỏi chiếc vỏ mà họ tự trùm lên mình. Bởi nếu không can thiệp kịp thời, họ có thể tự sát hoặc suy kiệt trong những trường hợp nặng”.
Từ hiệu ứng tốt sau buổi diễn rối mang tên trầm cảm này, bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay sẽ có kế hoạch đem sân khấu rối đến gần với người dân hơn. Trước mắt nghiên cứu đưa video quay lại màn diễn rối tại bệnh viện lên mạng, sau đó trình chiếu ở các trường học. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi liên quan tới bệnh trầm cảm cho học sinh sau khi xem xong video.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm chủ yếu khoảng 5% dân số. Đây là nguyên nhân gây suy giảm các chức năng nghề nghiệp xã hội ở bệnh nhân và đứng hàng thứ 2 chỉ sau các bệnh lý tim mạch vào năm 2020. Trầm cảm có thể gặp ở trẻ em, vị thành niên, người trưởng thành cũng như người cao tuổi. Tỷ lệ mắc trầm cảm ở nữ cao hơn nam giới và tỷ lệ này khoảng 2:1.
Thanh Trần (TPO)
Bình luận (0)