Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phụ huynh bối rối vì trẻ “yêu” sớm

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh cần giải thích cho trẻ hiểu về giới tính chứ không nên né tránh

Nhiều phụ huynh (PH) đã giật mình khi con mới 6-7 tuổi mà đã “thầm thương trộm nhớ” bạn khác phái.
Dở khóc, dở cười khi con kể chuyện “yêu”
Trên đường chở con đi học về, chị Nguyễn Thục Oanh (quận Bình Thạnh) giật mình khi bé Mai (7 tuổi) bi bô kể: “Mẹ ơi, hôm nay bạn Bi ôm hôn con, bạn ấy hôn ở môi làm con xấu hổ với các bạn khác, ai cũng lêu lêu con. Có phải con xinh nên bạn ấy thích con không mẹ?”.
Còn chị Nguyễn Thị Hằng (quận Thủ Đức) cũng gặp phải tình huống tương tự vì bé Miu (5 tuổi) – con chị – thích một cậu nhóc ở cùng khu chung cư với gia đình. “Mới đầu tôi không chú ý, nhưng khi nghe bé nói thích bạn khiến tôi khá hoang mang. Cháu hỏi tôi: “Anh Bin và anh Bo mẹ thích anh nào nhất? Con thích anh Bo vì anh Bo đẹp trai hơn anh Bin, lại hay cho con bánh còn anh Bin lì quá mẹ. Mai mốt mẹ cưới anh Bo về cho con nhé”. Bé nói chuyện với tôi với vẻ mặt xấu hổ chứ không còn nũng nịu như thường ngày”, chị Hằng cho biết.
Gần đây, chị Nguyễn Thùy Trang (quận 7) bắt gặp lá thư của cậu con trai (học lớp 5) giấu trong cặp với những lời lẽ tình tứ: “Bà xã đang làm gì đóa, ông xã nhớ bà xã lém! Bà xã bít hôn? Có nhìu bạn thích ông xã lém, hì hì có lẽ ông xã đẹp zai… nhưng ông xã chỉ có mình bà xã thui…”. Đọc xong lá thư, chị hoảng hốt không nói được gì.
Cả ba trường hợp trên PH đều hoang mang, sốc trước sự phát triển tâm sinh lý sớm của con và không biết giải thích giới tính như thế nào để trẻ hiểu.
Giáo dục giới tính cho trẻ thế nào?
Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Trẻ em hiện nay dậy thì sớm hơn thế hệ ngày trước. Sự thay đổi sinh lý với hoạt động tích cực của các hormone sinh dục nam và nữ khiến trẻ nảy sinh nhu cầu tình dục và xúc cảm giới tính với bạn khác giới. Do đó, sự thích thú, các rung cảm “là lạ” khi tiếp xúc với bạn khác giới là có thật. Trẻ lần đầu có những cảm xúc đó nên cũng dễ nhầm lẫn, cho rằng mình đã “yêu” bạn kia dù tuổi này trẻ chưa thể hiểu “yêu” là gì và thể hiện ra bên ngoài thái quá. Bên cạnh đó, trẻ em ngày nay được tiếp xúc với phim ảnh, thông tin trên mạng, nhạc với chủ đề về tình yêu đôi lứa rất nhiều, nên đã bắt chước cách thể hiện tình cảm từ những kênh này hoặc nói lại những ngôn ngữ “yêu đương” mà không hiểu ý nghĩa thực sự của nó. Hiện tượng này có thể thấy ở cả trẻ lớp 1 và lớp 2. Ngoài ra, sự trêu đùa của người lớn, chẳng hạn như người lớn trêu một bé trai với một bé gái là “vợ chồng”, “mai mốt cho hai đứa cưới nhau nhé”… khiến trẻ cũng bắt chước nói lại”.
Cô Đinh Thị Thiên Ân, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) cũng đồng tình với ý kiến này: “Vấn đề trẻ “yêu” sớm hiện nay không quá xa lạ. Xã hội ngày càng phát triển, tâm lý học sinh phát triển và có những tình cảm khác giới dù ở tuổi 5-6 hay 10-11 là điều chúng ta cần chấp nhận. Tuy nhiên, khi phát hiện tình cảm này của trẻ, nếu người lớn làm ùm lên là điều không nên”.
Cô Thiên Ân cho biết thêm, cô đã từng gặp trường hợp học sinh của mình viết thư tay gửi cho bạn khác giới với những lời lẽ rất tình cảm. Cô đã trò chuyện riêng với học sinh này một cách cởi mở về đối tượng mà em thích như: Bạn ấy có gì đặc biệt mà em để ý; bạn ấy có biết tình cảm của em không?; nếu chuyện đó phát triển thì có ảnh hưởng gì đến chuyện học của hai đứa…
Trong khi đó, ThS. Thu Huyền đưa ra giải pháp: Với học sinh cuối cấp tiểu học, giáo viên và PH nên tâm sự nhẹ nhàng để giáo dục về giới tính cho trẻ. Bố nên nói chuyện với bé trai còn mẹ nên nói chuyện với bé gái để cung cấp kiến thức về tuổi dậy thì, đề cập luôn khả năng có xúc cảm giới tính. Cần nói cho trẻ biết đó là rung cảm bình thường, nó dễ xuất hiện nhưng cũng dễ mất đi, không phải là tình cảm bền vững, do đó không nên gắn chặt mối quan hệ với bất cứ bạn khác giới nào ở độ tuổi này; nên kết bạn với nhiều người, cả cùng giới và khác giới. Còn với trẻ lớp 1, lớp 2 thì PH không nên tỏ ra đồng thuận với những lời nói “ghép đôi” hay “đòi yêu” của trẻ, nói cho trẻ biết là trẻ có nhiều bạn để chơi và bạn nào cũng đáng để yêu quý cả. PH cũng không cần tỏ ra quá hốt hoảng hay phản ứng gay gắt với trẻ ở tuổi này. Đồng thời, các bậc PH cần quan tâm trò chuyện, gợi mở để con kể nhiều về những người bạn cũng như sự thay đổi cảm xúc của mình, kịp thời định hướng cho trẻ”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Với trẻ lớp 1, lớp 2 thì PH không nên tỏ ra đồng thuận với những lời nói “ghép đôi” hay “đòi yêu” của trẻ, nói cho trẻ biết là có nhiều bạn để chơi và bạn nào cũng đáng để yêu quý cả”, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)