Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lương sư, hưng quốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mùa tuyển sinh 2017, trong khi có ngành 30 điểm vẫn trượt thì một loạt trường ĐH đào tạo sư phạm chỉ lấy mức điểm chuẩn giản dị bằng điểm sàn: 15,5 điểm.

'Lương sư, hưng quốc'Giật mình hơn, ở bậc CĐ đào tạo giáo viên dạy tiểu học và THCS, thí sinh chỉ cần đạt 9-10 điểm là ung dung giành suất trúng tuyển. Có trường hợp vì cộng cả điểm ưu tiên, nên chỉ đạt 2-3 điểm/môn đã trở thành thầy giáo tương lai!

“Đây là dấu hiệu rất xấu cho sự phát triển giáo dục. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Khởi điểm của người thầy chỉ ở mức điểm rất thấp như thế, sau này sẽ trao truyền gì được cho thế hệ học sinh tương lai?” – GS Phạm Minh Hạc, chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, trăn trở.

Mấy năm trước, khi tuyên bố cắt giảm chỉ tiêu một số ngành có dấu hiệu bão hòa như kế toán, quản trị kinh doanh…, Bộ GD-ĐT chia sẻ đáng lẽ những báo động về dư thừa nhân lực phải được phát ra từ chính các cơ quan quản lý và sử dụng nguồn lực đó, chứ không phải trách nhiệm của nơi đào tạo.

Cũng chính bởi lý lẽ này, nhiều người có niềm tin sư phạm sẽ không rơi vào khủng hoảng vì ngành giáo dục nắm trong tay các trường sư phạm, rồi các sinh viên tốt nghiệp đi dạy lại chịu sự quản lý chuyên môn từ Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, ít ai ngờ nhiều việc của ngành sư phạm lại đang “nằm ngoài tầm kiểm soát của chính cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục”, như cách nói của người đứng đầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Đau đầu” nhất là việc tuyển dụng giáo viên ở địa phương hoàn toàn không do ngành giáo dục quyết định.

Độ “vênh” cả về điều tiết chỉ tiêu trong đào tạo lẫn đánh giá chuyên môn trong tuyển dụng đang làm cho bức tranh ngành đào tạo giáo viên có phần thêm ảm đạm.

Những ngày này, có ai lại không ngẫm ngợi: Điều gì đã làm cho giáo dục trở nên hụt hẫng, mất cảm hứng khi đầu vào của ngành sư phạm “rớt giá”?

Chắc chắn tình cảnh long đong của đào tạo sư phạm không chỉ xuất phát từ những tác động đơn thuần lựa chọn nghề nghiệp của học sinh hôm nay.

Nhiều năm qua, giáo dục bị sa vào những đổi mới chỉ nhằm tăng thêm các thủ tục, giấy tờ… hành hạ giáo viên.

Áp lực của một ngành vừa khó xin việc, thu nhập thấp, vừa không được xã hội trọng vọng như trước khiến ngay cả những người trẻ có khát vọng cống hiến cũng chần chừ.

Có vị giáo già ngậm ngùi niềm cảm hứng cho giáo dục đã bị triệt tiêu lặng lẽ từ những năm qua theo cách đó, và mới đây tiếp tục nhận thêm những “cú đấm bồi” như tuyên bố đẩy giáo viên ra khỏi biên chế…

Chia sẻ về những băn khoăn của xã hội về ngành sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần một cái nhìn căn cơ có chiều sâu, bình tĩnh xem xét cả một quá trình, chứ không thể sốt ruột đòi chuyển biến ngay.

“Ai chả biết đào tạo sư phạm là máy cái, nhưng nhìn vào thì thấy rõ còn nhiều hạn chế từ chính sách, tuyển dụng đến đãi ngộ… Nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã đưa ra giải pháp, Bộ GD-ĐT cũng có giải pháp. Nhưng muốn khắc phục cần có thời gian…”.

Có lẽ người dân dù ồn ào, lo lắng trước điểm tuyển sinh sư phạm bất thường, nhưng vẫn thừa kiên nhẫn chờ thêm thời gian cho câu trả lời của Bộ 
GD-ĐT.

“Lương sư, hưng quốc”, một đất nước có thực sự hùng mạnh hay không, cứ nhìn vào đội ngũ nhà giáo của đất nước ấy thì sẽ rõ.

Gánh vác trách nhiệm quan trọng để nâng tầm vóc giáo dục, hi vọng Bộ 
GD-ĐT sẽ không thử thách sự kiên nhẫn của người dân quá một nhiệm kỳ của bộ trưởng…

 

NGỌC HÀ/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)