Đề thi môn văn THPT quốc gia 2017 có nhiều đánh giá trái chiều. Những mặt được của đề thi môn này thì ai cũng đã thấy, mặt chưa được cũng đã có vô số người bàn. Ở đây chúng tôi góp ý về những điểm bất hợp lý trong đề thi mà theo chúng tôi lẽ ra không nên có và cần điều chỉnh cho lần sau. Những điểm này chủ yếu tập trung ở câu 1 và câu 2 của phần làm văn.
Ở câu 1 (2.0 điểm), đề yêu cầu bàn về ý nghĩa của “sự thấu cảm” trong cuộc sống. Đây là câu hỏi có sự tích hợp với văn bản ở phần đọc hiểu. Câu hỏi viết đoạn văn này hay, rất có ý nghĩa xã hội. Nhưng nó lại yêu cầu bàn về vấn đề mà ở văn bản đọc hiểu đã bàn: sự thấu cảm. Theo kỹ năng viết đoạn văn, thí sinh phải có các thao tác như giải thích, bàn luận, chứng minh… Trong khi đó ở trong đoạn trích đọc hiểu đã có những ý này. Vì vậy khi làm bài, thí sinh dễ bắt chước, thậm chí bê nguyên si cách giải thích, hoặc lấy các dẫn chứng của đoạn trích đọc hiểu vào bài làm của mình. Đây là một thực tế mà khi chấm bài thi trước đây chúng tôi đã thấy. Chính điều này làm cho thí sinh giảm hứng thú làm bài (vì bàn lại cùng vấn đề), làm cho đề thi thiếu tác dụng phát huy kỹ năng, sáng tạo của người viết, và dễ dẫn đến việc thí sinh “đạo văn” ngay chính đề thi của mình làm! Đây là điểm mà chúng tôi đã góp ý trên Báo Giáo dục TP.HCM trong bài “Cần điều chỉnh đề thi minh họa môn văn” trước đây.
Câu 2 (5.0 điểm) có hai mức yêu cầu: cảm nhận (phân tích) đoạn thơ (trong đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm), từ đó bình luận. Cách hỏi này tiện lợi cho việc phân loại thí sinh. Nhưng vế yêu cầu sau (“Từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm”) là chưa ổn, thiếu định hướng cụ thể, gây mơ hồ cho thí sinh. Phần lớn thí sinh nghĩ rằng bình luận quan niệm về đất nước của tác giả rút ra từ đoạn thơ (do có từ “Từ đó…”). Nhưng nhiều thí sinh sẽ nghĩ rằng quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm trong toàn bộ đoạn trích “Đất nước” ở sách giáo khoa. Vì vậy chỗ không rõ ràng là quan niệm của tác giả về đất nước “trong đoạn thơ” hay “trong đoạn trích”. Nếu “trong đoạn thơ” thì vế hỏi này thừa, vì trong thao tác, bao giờ sau cảm nhận (phân tích) đoạn thơ cũng kèm theo tổng hợp, nhận xét, đánh giá (nghĩa là “bình luận”). Nếu “trong đoạn trích “Đất nước”” thì cụm từ này thiếu trong câu hỏi. Vì vậy, đằng nào cũng bất ổn!
Theo chúng tôi, với câu 2 này, nên yêu cầu bình luận quan niệm về đất nước của tác giả trong toàn bộ đoạn trích ở sách giáo khoa thì dễ thuyết phục hơn. Hoặc nếu không thì vế hai nên yêu cầu so sánh với một đoạn thơ, một quan niệm của tác giả khác viết về đất nước. Hoặc liên hệ với thực tế xã hội hiện nay về đề tài này thì sẽ hay hơn, có tính thời sự và dễ phân loại thí sinh hơn.
Trần Tuấn
Bình luận (0)