Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kinh nghiệm học và làm bài môn văn

Tạp Chí Giáo Dục

Để giúp học sinh (HS) có hiệu quả trong việc học ôn và làm bài thi tuyển sinh 10, thi THPT quốc gia sắp tới, chúng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm sau.

Một tiết học môn văn của học sinh lớp 12 tại TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Kinh nghiệm về học văn

Đọc thật kỹ văn bản, tìm hiểu và nắm vững những kiến thức liên quan đến tác phẩm như hoàn cảnh – thời đại mà tác phẩm ra đời, phong cách nghệ thuật của tác giả, chủ đề chính của tác phẩm, ghi nhớ những dẫn chứng tiêu biểu, liên hệ – so sánh tác phẩm với các tác giả, tác phẩm khác… Sử dụng sách tham khảo một cách hợp lý, hiệu quả. Không nên sử dụng quá nhiều tài liệu, vì nếu không đủ tỉnh táo sẽ dễ lẫn lộn rối bời, dễ rơi vào cảnh quá tải về kiến thức. Tài liệu chỉ là công cụ hỗ trợ, nâng cao thêm kiến thức trên cơ sở kiến thức nền ở chương trình sách giáo khoa và bài giảng của giáo viên. Vì thế nó chỉ có hiệu quả khi biết cách kết hợp hợp lý giữa chúng.

Đối với môn văn, tài liệu sẽ giúp cho người đọc có thêm các kỹ năng như xây dựng bố cục bài viết, văn phong, những phát hiện độc đáo về nghệ thuật, những quan điểm và cảm nhận mới mẻ của người viết. Chứ tuyệt nhiên không vì lệ thuộc quá vào tài liệu mà mất đi kiến thức nền của bài học. Đây là lỗi rất phổ biến của HS hiện nay trong việc học văn. Cứ vào phòng thi là bị ám ảnh bởi tài liệu này nọ, nên bài làm què cụt, chắp vá… Ngoài việc chọn và sử dụng tài liệu, HS còn phải biết cách ghi nhớ và trích dẫn kiến thức từ tài liệu vào bài làm một cách hợp lý để tăng tính hấp dẫn và thuyết phục.              

Có thể khẳng định 3 nhân tố quan trọng để có bài văn điểm cao là: niềm đam mê, phương pháp học và cách thể hiện. Đặc trưng của môn văn là ở sự biết dung hòa, kết hợp giữa lý trí và cảm xúc. Quá chú trọng cảm xúc bài làm sẽ không có chiều sâu, thiếu trí tuệ. Ngược lại, thiếu cảm xúc bài làm sẽ khô khan, ít thuyết phục. Một bài làm tốt là bài làm khi có đủ trí tuệ trong một cảm xúc đạt đến độ chín muồi. Say mê là để đạt cảm xúc, có phương pháp học là để tích lũy trí tuệ và khi làm bài thi là thể hiện nó trên văn bản.

Lời khuyên khi làm bài

Phải bước vào phòng thi trong một trạng thái tâm lý thật sự thoải mái, tự tin, không nên quá căng thẳng. Bản chất của môn văn là sự sáng tạo và cảm hứng. Phải tạo ra cảm hứng trước khi viết văn. Ngoài ra các yếu tố khác như: trình bày rõ ràng, khoa học; từ ngữ có tính chọn lựa cao, hay, bay bổng; dẫn chứng phù hợp, chính xác; giọng điệu tự tin, chín chắn, thể hiện được cái tôi sáng tạo của người viết; có những hiểu biết tường tận về từng vấn đề và trình bày chi tiết, đầy đủ. Chữ viết phải chuẩn mực rõ ràng, đẹp thì càng tốt.

Làm văn là hoạt động sáng tạo văn bản để giao tiếp với người đọc – giám khảo, muốn thế phải nghĩ đến hiệu quả giao tiếp. Ngoài nội dung, chất lượng bài làm, nhiều khi hiệu quả ấy còn thể hiện ở cách trình bày (lề, dòng), chữ viết (đẹp, xấu; dễ đọc, khó đọc…), bôi xóa (sạch, dơ), ngay cả màu mực cũng tạo nên hiệu ứng giao tiếp nhất định.

Thói quen của thí sinh ngày nay là ít chịu lập dàn ý trước khi viết. Thật ra lập dàn ý ra giấy nháp là rất cần thiết. Phải dành một lượng thời gian hợp lý. Lập dàn ý có lợi cho người viết là có một định hướng rõ ràng về bố cục ý để viết. Trong quá trình làm bài có thể thay đổi, thêm bớt ý từ dàn ý đã lập. Quan trọng hơn là sẽ có những ý mới lóe lên trong đầu trong quá trình viết. Nếu có dàn ý sẽ dễ dàng bổ sung trực tiếp vào dàn ý, thay vì cứ chủ quan rằng nhớ trong đầu và sau đó có thể sẽ quên mất…

Câu văn mở đầu, hay nói rộng hơn là viết phần mở đầu của bài văn rất quan trọng. Vì nó sẽ quyết định giọng văn, cảm xúc, sự thuận lợi để triển khai bài văn cho người viết, như kinh nghiệm người xưa “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Mặt khác, nó tạo ra cảm nhận ban đầu cho người đọc. Theo lẽ thường, người chấm cho rằng văn hay không cần đọc hết bài làm mới đánh giá được. Trong trường hợp này, nếu có ý mở đầu tốt, bạn hãy viết ngay. Còn không, hãy viết ra giấy nháp, hoặc bỏ trống ở đấy. Trong quá trình làm, khi đã nghĩ được cách mở bài tốt, quay lại viết phần này cũng chưa muộn. Giữa các câu của bài làm phải có khoảng cách hợp lý, an toàn, vừa để giám khảo không chấm sót, vừa thuận lợi cho thí sinh dễ dàng bổ sung ý trả lời mà không cần phải đến cuối bài mới bổ sung ý. Nhất là khi làm bài câu đọc hiểu, câu trả lời theo các ý gạch đầu dòng.

Phân bố thời gian hợp lý cho bài làm. Dành thời gian cho đọc và phân tích đề, số câu, thang điểm, thời gian cho lập dàn ý. Theo dõi trục thời gian của phòng thi để không phải rơi vào những tình cảnh dở khóc dở cười như bài làm vào giấy nháp chép lại vào bài thi không kịp, phần đầu triển khai quá kỹ còn phần sau thì quá sơ sài. Cũng cần dành một khoảng thời gian để đọc lại bài, thêm bớt ý, chữa lỗi chính tả, dùng từ… Một khi cảm thấy quá lúng túng, hoang mang trước một đề thi mà nội dung liên quan đến bài học ôn tập chưa thật tốt thì cũng đừng nên bi quan, buông xuôi. Phải thấy rằng bản chất của môn văn là cuộc sống. Và xu hướng đề thi hiện nay thường ra theo hướng mở, gắn liền với cuộc sống xã hội. Trong “cái khó” sẽ ló “cái khôn”. Chính niềm tin, bản lĩnh và suy ngẫm về cuộc sống sẽ giúp thí sinh có cách triển khai, một hướng làm bài nhất định.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

 

Bình luận (0)