Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.A |
Sáng 18-4, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn TP giai đoạn 2014-2016” và triển khai kế hoạch năm 2017.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, trong năm 2016 TP đã xảy ra 54 vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công với gần 19.000 người ở 24 doanh nghiệp (DN) tham gia. Trong đó tập trung chủ yếu ở các DN may và giày da của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Singapore. Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến đình công là tổ chức công đoàn ở một số DN chưa đủ mạnh. Và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đình công là do quyền và lợi ích của người lao động chưa đảm bảo. Cụ thể không thực hiện đúng quy định tăng lương hàng năm, thời gian làm việc và nghỉ ngơi; chất lượng bữa ăn giữa ca kém; DN chưa thực hiện tốt quy chế đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng và thỏa ước lao động tập thể. Một số DN còn vi phạm quy định pháp luật về lao động như thanh toán tiền lương, nợ BHYT, BHXH, BHTN. Trong khi đó, quy định pháp luật về quan hệ lao động chưa phù hợp với thực tế, còn nhiều bất cập trong thi hành pháp luật lao động…
Tại đây, đại diện phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện cũng thừa nhận đời sống tinh thần của người lao động còn hạn chế do một bộ phận DN chỉ chú trọng đến lợi nhuận, chưa quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí của công nhân. Điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe của công nhân cũng không đảm bảo.
Để khắc phục những tồn tại trên, ông Tấn cho biết sẽ đề nghị Sở Xây dựng TP phối hợp với Ban quản lý các KCX-KCN TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các dự án nhà ở và các công trình công cộng; cụ thể hóa các thiết chế văn hóa để phục vụ công nhân lao động, nhất là công nhân ở các KCX-KCN, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.
Về giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và đình công, Sở LĐ-TB&XH TP và các ban ngành liên quan sẽ đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về lao động với tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thực thi pháp luật lao động, vấn đề nảy sinh trong quan hệ lao động.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận kết quả đề án, góp phần cải thiện điều kiện làm việc và đời sống tinh thần cho người lao động; từng bước hình thành các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể và đình công.
Đồng thời, bà Thu cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TP bám sát nội dung trong kế hoạch của đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM năm 2017 để thực hiện. Theo đó, tập trung giám sát việc tổ chức Hội nghị Người lao động tại DN, đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động; thương lượng, thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt là các DN ngành may mặc và giày da.
“Cần nâng chất lượng bữa ăn giữa ca và quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của công nhân để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Rà soát các quy định pháp luật chưa phù hợp có liên quan để có đề xuất sửa đổi, đảm bảo quyền và lợi ích hài hòa giữa DN và người lao động”, bà Thu lưu ý.
T.Anh
Bình luận (0)