Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lớp “bình dân học vụ” giữa lòng thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp bình dân học vụ của cô Bích ở chung cư đầu tuyến Điện Ngọc –  Sơn Trà

Giữa lòng một thành phố phát triển bậc nhất miền Trung – Đà Nẵng – có một người chưa từng trải qua lớp nghiệp vụ sư phạm nhưng dám mở lớp “bình dân học vụ” với mong muốn giúp bà con thoát cảnh mù chữ…
Đó là cô Nguyễn Thị Bích, ở chung cư đầu tuyến Điện Ngọc – Sơn Trà (khối phố Thành Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng)
1. “Đến giờ học rồi các bạn ơi!”, giọng một người phụ nữ tuổi ngoại ngũ tuần vang vang giữa sân khu nhà chung cư đầu tuyến Điện Ngọc – Sơn Trà vào lúc 19 giờ, dưới cơn mưa phùn lất phất làm người qua đường không khỏi chú ý. Cũng chính trong sự tình cờ ấy chúng tôi mới gặp được cô. “Sơn Trà không phải là quê của tôi – quê tôi ở tận vùng chiêm trũng thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nhưng Sơn Trà là nơi tôi gắn bó gần trọn cuộc đời, trải qua vui buồn, sướng khổ đều ở đây. Vì vậy, với tôi nơi này cũng giống như nơi chôn nhau cắt rốn. Bà con ở khu vực này hầu hết theo nghề ngư, đàn ông ra khơi còn đàn bà thì quanh năm cặm cụi bên mớ tôm cá, nhiều người trong số họ đều không biết chữ. Mà ở đời, không biết chữ là cực lắm. Đến một cái đơn cũng nhờ người ta viết hộ, một chữ kí cũng phải lăn cả ngón tay lên mực xạ điểm chỉ… Thương bà con nên tôi mở lớp dạy chữ cho họ”, cô Bích mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
“Lớp học mở được 3 năm rồi. Các học viên đã học đến chương trình lớp 2”, cô Bích cho biết thêm. Các học viên lớp học này không phân biệt độ tuổi, em nhỏ nhất 8 tuổi, còn lại đa số là chị em phụ nữ từ 30 đến 45 tuổi. Cứ mỗi tuần 3 buổi tối, lớp học (mượn tạm phòng làm việc của khu chung cư) lại vang tiếng đọc bài với đủ mọi âm thanh trầm bổng theo tuổi tác. Nhớ lại buổi đầu mở lớp, cô Bích trầm ngâm hồi lâu, nói: “Có nhiều gia đình cả cha mẹ lẫn con cái đều không biết mặt chữ. Vận động được vợ con thì chồng lại ngăn cản. Có người vận động được, đến lớp nhưng hôm sau lại… quên, thế là tối nào tôi cũng phải đi gọi hoặc nhờ các em tới lớp sớm gọi giùm. Chưa hết, lớp mượn tạm phòng chung cư dạy được một thời gian thì quản lý chung cư đòi lại. Tôi phải lên phường nộp đơn xin mượn. Phường chưa đồng ý thì tôi đi mượn nhà dân. Cứ thế, sau nửa năm kiên trì hết nộp đơn đến đem chuyện tình cảm ra nói, cuối cùng chúng tôi mới được quay về chung cư để học”. Chung cư cao 5 tầng không có thang máy, tuổi già leo cầu thang không nổi nên cô phải đứng giữa sân bắc loa miệng thay trống trường.
Thời gian đầu cô tập hợp được 14 học viên. Sau 3 năm, các học viên đều đọc thông viết thạo và tỏ ra rất ham học. Chị Nguyễn Thanh Vân (30 tuổi) vui vẻ cho biết: “Hồi trước đến cả việc bạn mời đi hát karaoke tôi cũng không dám đi vì ngại không biết chữ sợ bạn cười. Bây giờ cái gì tôi cũng đọc được rồi, ra cảng bán cá cũng biết cách tính tiền, không phải nhờ vả người tính hộ nữa”. Còn chị Nguyễn Thị Cường (45 tuổi) chia sẻ: “Việc học chữ là để biết và có thể giúp con học tốt hơn. Tui có hai đứa con sinh đôi mà học đến lớp 7 thì bỏ ngang. Lúc đó tui không biết chữ, nó cứ ngồi vào bàn và nói con đang học thì tui cũng nghe vậy chứ có biết gì đâu. Giờ được cô Bích dạy cho biết mặt chữ, hai đứa con thấy mẹ học nó cũng tự nguyện quay lại lớp. Thời đại bây giờ có biết cái chữ người ta mới nhận cho học nghề”.
Để hạn chế tối đa tình trạng mù chữ, cô Bích còn đảm trách công tác cán bộ khuyến học của khối phố. Bên cạnh công việc dạy học, cô còn dành thời gian đi khắp nơi vận động, quyên góp sách vở, kinh phí hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.
2. Cả cuộc đời sấp ngửa vì manh áo miếng cơm, khi về già cô Bích vẫn không tự kiếm nổi một ngôi nhà che nắng mưa mà phải ở nhờ nhà người thân. Cái khổ đó cô thấm thía lắm. Bà con ở đây cũng khổ không kém. Duy chỉ có niềm tự hào là ba đứa con của cô đều được học hành và có công việc ổn định. Nhìn con, nghĩ đến những đứa trẻ hàng xóm thất học thế là lại quên hết mệt nhọc khó khăn của chính mình, cặm cụi soạn giáo án lên lớp. Mỗi tối, trong cái lớp học nghĩa tình ấy tiếng đọc bài vẫn vang lên đều đặn át tiếng sóng biển vỗ rì rào. Cô Bích nói: “Tôi sẽ cố gắng dạy cho bà con đến chừng nào còn sức. Coi như đây là việc làm để trả ơn quê hương thứ hai, phần khác giúp bà con có được ít chữ làm vốn lận lưng để đỡ thua thiệt với người đời!”.
Đến khối phố Thành Vinh bây giờ ít ai nghe nói về chuyện đám trẻ ham chơi lêu lổng. Bãi biển sáng sớm nào cũng tụm năm tụm bảy những người phụ nữ chờ chồng trở về sau một đêm lênh đênh biển cả với câu chuyện rôm rả: “Con chị học lớp mấy? Năm rồi có đỗ đại học không?…”. Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết: “Số lượng người mù chữ các vùng ven đang dần được nỗ lực xóa trắng. Thành quả đó bên cạnh chủ trương đúng đắn của chính quyền thành phố, sự quan tâm nỗ lực của ngành giáo dục thì đóng góp của những giáo viên không biên chế như cô Bích là rất đáng ghi nhận”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, tính đến thời điểm này, còn 927 phụ nữ độ tuổi 15 đến 45 trong tổng số 181.364 người trên toàn địa bàn thành phố vẫn chưa biết đọc, biết viết.          
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)