Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn đúng ngành, sáng tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, giải đáp băn khoăn cho các em học sinh sau buổi tư vấn chung

Ngày 17-12, tại Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), Báo Giáo Dục TP.HCM đã khởi động Chương trình hướng nghiệp và tuyển sinh năm 2013 “Đúng ngành nghề, sáng tương lai”. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh đến từ các trường ĐH, CĐ và TCCN trên địa bàn TP.HCM nhằm giải đáp mọi thắc mắc, băn khoăn của học sinh trước kỳ tuyển sinh sắp tới.
Cần cân nhắc kỹ
Để có tấm vé vào giảng đường ĐH, thí sinh phải cạnh tranh gay gắt từng điểm số với nhau, vì thế nếu chọn trường không đúng với năng lực của mình, các em rất dễ bị rớt nguyện vọng 1 và các nguyện vọng bổ sung. Đối với vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: “Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh sẽ trải qua kỳ thi ĐH, CĐ. Hiện nay cả nước có khoảng 500 trường ĐH và CĐ với gần 2 triệu sinh viên. Mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT nhưng tổng chỉ tiêu các trường ĐH và CĐ chỉ gần 600.000 em. Vì vậy, đây là một kỳ thi rất cam go, các em cần cân nhắc kỹ học lực để xem có đủ điều kiện thi vào ĐH, CĐ hay không. Nếu không đủ sức thi, các em có thể chọn con đường TCCN, CĐ nghề, TC nghề… vì các trường này thường tổ chức xét tuyển chứ không thi tuyển. Ngoài ra, nếu có điều kiện kinh tế, thí sinh có thể chọn các trường không thi tuyển như các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài từ bậc TCCN cho đến CĐ”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khẳng định: “Ngoài con đường ĐH và CĐ, thí sinh còn nhiều hướng đi khác để lựa chọn, đặc biệt là việc học nghề. Hiện nhu cầu nhân lực chỉ cần khoảng 20% lao động có trình độ ĐH và CĐ, còn lại thị trường lao động đang rất cần những người lao động giỏi nghề từ trình độ nghề sơ cấp cho đến nghề ở bậc TC, CĐ và ĐH. Xu hướng thị trường lao động đang có nhiều biến động và ngày càng đa dạng, các em cần theo dõi kỹ thông tin trên các phương tiện truyền thông cũng như trang bị cho mình những kỹ năng mới để dễ kiếm được việc làm”.
Việc làm dựa vào năng lực

Một học sinh nữ đặt câu hỏi tại buổi tư vấn

Tại buổi tư vấn, các em học sinh đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội như ngành địa lý du lịch, Đông phương học, tâm lý, vật lý, hóa học, ngoại ngữ… Đặc biệt, khối ngành kinh tế vẫn chưa chịu “hạ nhiệt”.
Một học sinh nam cho biết: “Em thích học ngành y nhưng bố mẹ lại muốn em học ngành quản lý kinh doanh để tiếp quản công ty của gia đình. Em muốn hỏi chương trình đào tạo ngành kinh tế giữa các trường ĐH có khác nhau hay không? Trường nào có đầu vào “dễ chịu” nhất? Nếu không đỗ vào ngành kế toán của một trường ĐH có được xét xuống hệ CĐ hay không?… Trong loạt câu hỏi này, em học sinh nói trên đặc biệt lưu ý đến cơ hội việc làm trong tương lai.
Em Nguyễn Thanh Nam (học sinh lớp 12) thắc mắc: “Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh liệu có thất nghiệp không vì theo tìm hiểu của em ở nhiều nguồn thì khối ngành kinh tế đang bị dư thừa lao động?”. Trong khi đó, một em nữ sinh chia sẻ: “Em rất thích ngành tài chính ngân hàng nhưng hiện nay các anh chị tốt nghiệp ngành này thất nghiệp rất nhiều, em phải làm sao?”…
Về các vấn đề này, TS. Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho hay: “Học ngành nào cũng có thể thất nghiệp; thất nghiệp hay không, có việc làm tốt hay không trước hết phụ thuộc vào năng lực của các em sau khi tốt nghiệp”.
Ở khía cạnh khác, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nói: “Có việc làm hay không tùy thuộc vào nhu cầu thời điểm các em ra trường. Tuy nhiên, tìm việc dựa trên bằng cấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ bởi khi xin việc làm các doanh nghiệp sẽ phỏng vấn. Nhiều người đến xin việc đều có bằng ĐH nên khi xin việc các doanh nghiệp thường yêu cầu ứng viên thử việc hai tháng để các em chứng tỏ được năng lực chuyên môn, các kỹ năng khác như làm việc nhóm, trình bày, giải quyết vấn đề… Vì thế không riêng về ngành kinh tế, để có việc làm tất cả các ngành khác đều cần những kỹ năng này”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Phát biểu tại chương trình tư vấn, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM – khẳng định: “Chương trình sẽ tư vấn cho học sinh những vấn đề như thủ tục dự thi, các nguyện vọng xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo của từng trường, hình thức thi như thế nào… để các em nắm rõ trước khi đăng ký hồ sơ dự thi ĐH, CĐ. Ngoài ra, chương trình còn phân tích cho các em thấy những ngành nghề nào sẽ thu hút nhân lực trong tương lai; các chuyên gia tâm lý sẽ giúp các em chuẩn bị tinh thần, sức khỏe tốt trước kỳ thi. Năm nay, chương trình có nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh kinh nghiệm tham gia, chắc chắn các em có thêm nguồn thông tin quan trọng trong việc chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân để có một tương lai tươi sáng”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)