Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Mùa xuân ấm áp cho người nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Đời thường, có nhiều người đã làm những việc rất tốt đẹp, đáng nêu gương cho người khác. Họ là những con người bình dị, sống, lao động, học tập và công tác từ các ngõ xóm thôn, tổ dân phố, ở các công trường, nhà máy, ruộng đồng, trường học, bệnh viện… Những việc làm của họ đã góp phần làm cho xã hội ta ngày càng tốt đẹp – nhân ái hơn!

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: Tôi thực sự xúc động khi được xem những đoạn phim và các cuộc giao lưu về những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến như tấm gương tự nguyện hiến tới 2.800m2 đất để xây trường, làm đường giao thông. Có người hàng chục năm đi bán vé số gây quỹ chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh; có cô giáo gần cả cuộc đời (36 năm) nuôi dạy trẻ lang thang cơ nhỡ; cô giáo, thầy giáo khiếm thính dạy nhạc, dạy chữ miễn phí; người bỏ hàng trăm triệu đồng của gia đình để xây dựng hàng chục căn nhà tình thương, lớp học tình thương; có người suốt 16 năm bỏ công vớt rác trên các dòng sông để trả lại màu xanh vốn có của nó; có những “Quán cơm, bếp cơm nhân ái nghĩa tình”, “Phòng khám từ thiện”, “Lớp học tình thương”; có cả các chị phụ nữ tham gia tuần tra canh gác bắt giữ tội phạm… Và còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương cao đẹp đã suy nghĩ và hành động vì nghĩa lớn – vì tình thương và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và cuộc sống của con người. Khó khăn, vất vả, tuổi tác, sức khỏe… không làm họ lùi bước.

Đó là những con người tiêu biểu trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cũng còn có rất nhiều những gương điển hình, gương người tốt – việc tốt vì một lý do nào đó mà họ không muốn xưng danh, khen thưởng vì nghĩ rằng làm việc tốt, việc thiện là từ cái tâm trong sáng. Từ tấm lòng hướng thiện nên không muốn báo cáo thành tích để được khen thưởng, tuyên dương hay vinh danh.

“Riêng đối với đội ngũ thầy giáo, cô giáo và học sinh sinh viên TP.HCM, tôi tin tưởng với TP phát triển văn minh-hiện đại-nghĩa tình, thầy cô giáo và học sinh sinh viên của TP sẽ tiếp tục phát huy truyền thống nghĩa tình của TP. Để thực hiện tốt chương trình dạy tốt-học tốt và không chỉ qua chương trình dạy tốt-học tốt xuất hiện những tấm gương điển hình mà chúng tôi mong muốn những tấm gương dạy tốt-học tốt cũng đồng thời là những tấm gương “tử tế – thầm lặng nhưng cũng cao cả” như những tấm gương ngày hôm nay được tuyên dương”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắn gửi.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hải đang dạy cho các học sinh lớp 1 tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc, quận 12. Ảnh: T.Trung

PV: Năm hết Tết đến cũng là dịp chúng ta ôn lại, tổng kết lại các phong trào thi đua. Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về các phong trào thi đua của TP trong những năm qua?

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Phát huy truyền thống thi đua yêu nước, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn xưa, TP.HCM ngày nay – TP anh hùng đã “cùng cả nước, vì cả nước” phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để luôn giữ vững vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn ngân sách, đã trở thành “Đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ là địa bàn phát triển năng động nhất của cả nước. TP.HCM cũng là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên nhiều phong trào sáng tạo được nhân rộng và lan tỏa khắp cả nước như phong trào “Xóa đói giảm nghèo; Vì người nghèo nay là Giảm hộ nghèo tăng hộ khá; 3 tiết kiệm; Vì bệnh nhân nghèo; Uống nước nhớ nguồn – Đền ơn đáp nghĩa; Vì biển đảo thân yêu – Vì tuyến đầu Tổ quốc”… Có thể nói, phong trào thi đua của TP đã có sức hút và lan tỏa lớn, tạo động lực để TP đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Chính vì thế, TP đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý: “TP anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; hai lần được tặng thưởng Huân chương Sao vàng”, cũng như rất nhiều phần thưởng cao quý khác, của các tập thể, cá nhân. Đó là sự kết tinh, đóng góp, cống hiến mồ hôi – công sức và cả xương máu của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vì sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Đồng thời, cũng là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng – Nhà nước đối với công lao to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP.HCM đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Buổi lễ tôn vinh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 2 chính là một nội dung quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, vừa nhằm biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, những gương người tốt, việc tốt. Mặt khác cũng nhằm động viên, cổ vũ tinh thần, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, cơ quan, tổ chức với phương châm “Mình vì mọi người”, vì sự phát triển đi lên của TP và đất nước.

0
Bạn Lê Bảo (đứng) và các thành viên CLB Mỹ thuật Ếch con. Ảnh: T.Trung

Nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017, đồng chí có những gửi gắm gì tới Đảng bộ, chính quyền TP?

Tết Đinh Dậu 2017 đã cận kề, bản thân tôi rất tin tưởng vào sự chăm lo của TP tới nhân dân cả về tinh thần và vật chất. Vì TP.HCM chính là nơi khởi xướng ra các chương trình vì người nghèo; bệnh nhân nghèo… rất thiết thực, đậm tính nhân văn. Mong rằng, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy các chương trình này tốt hơn nữa và TP không chỉ chăm lo cho người nghèo của TP.HCM mà còn quan tâm, chăm lo cho những người nghèo, bệnh nhân nghèo của các địa phương khác trong cả nước. Tôi tin rằng, chương trình này sẽ được UBND TP và UBMTTQVNTP nhân rộng ra cả nước. Các tỉnh, thành và các địa phương bạn học tập, làm lan tỏa chương trình nhằm đem đến một mùa xuân Đinh Dậu 2017 là một mùa xuân thật sự ấm áp cho người nghèo.

Xin trân trọng cám ơn đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh!

Lê Quang Huy (thực hiện)

Bình luận (0)