Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chàng sinh viên bách khoa về làng dạy tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần, Hứa Văn Lộc (sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) lại chạy xe 50km về quê để kịp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ vào buổi tối. Sáng hôm sau, Lộc tất tả quay về thành phố làm thêm, kiếm tiền duy trì lớp học.

Chàng sinh viên bách khoa về làng dạy tiếng Anh
Lớp học tiếng Anh thỉnh thoảng diễn ra… ngoài đồng và có người nước ngoài đến giao lưu – Ảnh: TÙNG LAM

Về lớp học, “thầy giáo” Lộc đứng giữa sân Nhà văn hóa thôn Phước Long (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đọc mẫu từng câu tiếng Anh cho mấy chục học trò đang ngồi xung quanh nhắc lại.

Lớp học “cây nhà lá vườn” là thế nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện mấy “ông Tây, bà Tây” từ Hà Lan, Mỹ, Úc… đến giảng bài. Lộc quen những người nước ngoài này qua hình thức homestay và mời họ đến giao lưu với lớp.

Lộc kể ở quê, môn tiếng Anh hầu hết học sinh chỉ được dạy ngữ pháp để làm bài kiểm tra và thi ĐH. Phần nghe – nói chưa được chú trọng nhiều lắm.

“Mình nhớ lần đầu tiên gặp người nước ngoài, mình đã vận dụng hết vốn liếng tiếng Anh học sáu năm để bắt chuyện. Nhưng thật bất ngờ, họ không hiểu mình đang nói gì hết. Hóa ra lâu nay mình phát âm sai bét” – Lộc nhớ lại.

Chính vì lý do đó, Lộc mở lớp tiếng Anh miễn phí để sửa cách phát âm cũng như dạy những từ vựng thông dụng cho các bạn nhỏ trong xã.

“Mình không có tham vọng dạy các em nói tiếng Anh lưu loát. Mình chỉ giúp các em có ý thức hơn về việc phát âm tiếng Anh chuẩn xác cũng như thêm yêu thích môn học này. Từ sự yêu thích ban đầu ấy, các em mới có mong muốn tìm hiểu và học hỏi sâu hơn” – Lộc chia sẻ về công việc của mình.

Chàng sinh viên bách khoa cũng cho biết việc mời người nước ngoài đến giao lưu với lớp sẽ giúp các em dần làm quen với tiếng Anh bản xứ, đặc biệt là trở nên dạn dĩ hơn. “Ban đầu mình cũng chả dám bắt chuyện với người nước ngoài đâu, sợ lắm” – Lộc cười nhớ lại.

Và để các em nhớ bài lâu hơn, cuối mỗi buổi học “thầy Lộc” luôn tổ chức những trò chơi có thưởng. Tiền mua bánh kẹo, quà tặng cho các em là do Lộc tự bỏ ra.

Lộc nói: “Cả tuần mình đều đi học, nên chỉ có thể tranh thủ làm thêm kiếm tiền vào ngày chủ nhật. Có lần mình chở người bạn nước ngoài ra sân bay về nước, ông dúi vào tay mình 500.000 đồng, bảo để mua quà cho mấy đứa nhỏ, mình vừa mừng vừa cảm động”.

Dù vất vả và bị cha mẹ phản đối nhưng Lộc cũng đã duy trì lớp học tiếng Anh được một năm.

“Giờ mình về quê, đi từ đầu đến cuối thôn, chỗ nào có mấy đứa nhỏ chơi là tụi nó cũng chạy ra chào mình. Đợt 20-11 vừa rồi, 5-6 đứa chung tiền lại mua một bông hoa tặng thầy Lộc – nhiêu đó thứ là đủ để mình gắn bó với lớp rồi” – Lộc tâm sự.

 

TÙNG LAM (TTO)

Bình luận (0)