Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ưu đãi tuyển dụng vẫn thiếu giáo viên mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Các quận, huyện ở TPHCM vẫn không tuyển đủ giáo viên, toàn TP hiện còn thiếu hơn 3.000 giáo viên mầm non ở các trường công lập. Vì sao?

3 năm trở lại đây, TPHCM đã có nhiều chính sách ưu đãi về tuyển dụng và đãi ngộ giáo viên mầm non như tuyển người không có hộ khẩu TP, quy định trợ cấp ưu đãi để tăng thêm thu nhập cũng như hỗ trợ lương cho giáo viên mới ra trường về nhận công tác. 

Cửa đã mở nhưng thực chất vẫn… đóng!

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM với UBND quận 11 về thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận, ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) quận 11, cho biết nhiều năm nay, TPHCM đã chấp thuận cho các quận, huyện tuyển giáo viên không có hộ khẩu TP. Tuy nhiên, mỗi năm các địa phương phải dựa vào nhu cầu tuyển dụng trình lại hồ sơ xin tuyển ứng viên theo dạng này rồi chờ UBND TP phê duyệt.

Ưu đãi tuyển dụng vẫn thiếu giáo viên mầm non ảnh 1

Giờ ăn của cô và trò Trường Mầm non Hương Sen, quận Bình Tân

Ông Hoàng bày tỏ: “Chủ trương đã có, chúng tôi không ngại làm tờ trình nhưng năm nào cũng mất thêm một khoảng thời gian nhất định cho việc chờ xét. Nếu nhận thấy nhu cầu là cần thiết, rất mong TP ban hành quy định chung về tuyển dụng cho 24 quận, huyện, trong đó ứng viên không đòi hỏi phải có hộ khẩu TP, để kịp thời bổ sung đội ngũ cho các địa phương”. Điều này cũng sẽ góp phần giải bài toán bình đẳng trong tuyển dụng giữa các địa phương, bởi hiện nay có tình trạng quận A. tuyển được giáo viên không có hộ khẩu TP, nhưng quận B. lại chưa mạnh dạn thực hiện dù đội ngũ vẫn thiếu. 

Bên cạnh đó, theo bà Huỳnh Thị Cẩm Trang, Phó phòng Nội vụ UBND quận 5, trước đây tuyển dụng giáo viên ở bậc mầm non không yêu cầu ứng viên đăng ký cụ thể nguyện vọng công tác mà sau khi có kết quả trúng tuyển sẽ theo sự phân công, sắp xếp của phòng GD-ĐT. Tuy nhiên, từ khi có Quyết định số 03 (ban hành ngày 4-2-2016) của UBND TP về tuyển dụng viên chức, ứng viên khi nộp hồ sơ phải ghi cụ thể nguyện vọng công tác.

Quy định này mặc dù thể hiện được tính công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đảm bảo sự cạnh tranh về năng lực giữa các ứng viên, song đã vô tình tạo ra cái khó cho các địa phương như tồn tại hồ sơ ứng tuyển ảo, ứng viên đổ dồn về một, hai trường có cơ sở vật chất tốt trong khi nhiều trường khác cũng có nhu cầu tuyển dụng nhưng thiếu ứng viên.

Ngoài ra cũng dẫn đến tình trạng ứng viên có năng lực chuyên môn tốt nhưng không được tuyển dụng (do vướng tỷ lệ chọi cao ở các trường lớn) trong khi nhiều trường khác có nhu cầu tuyển dụng cao lại thiếu ứng viên.

Trước thực tế đó, đại diện các quận, huyện đã kiến nghị TP xem xét sửa đổi quy định theo hướng cho ứng viên đăng ký từ 2 – 3 nguyện vọng công tác để nếu rớt nguyện vọng này vẫn có thể phân bổ về trường khác, tránh tình trạng nhân lực “thiếu cứ thiếu, thừa vẫn thừa” hiện nay.

Thêm vào đó, cũng theo Quyết định 03, giáo viên muốn chuyển công tác phải chấm dứt hợp đồng ở đơn vị cũ, nộp đơn thi tuyển vào đơn vị mới theo quy trình tuyển dụng chung cho tất cả ứng viên.

Quy định này, theo ông Nguyễn Hữu Nhơn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, là tạo thêm áp lực, gây khó khăn cho những người đã có nhiều năm công tác. Câu hỏi đặt ra là vì sao TP đã có chủ trương luân chuyển cán bộ quản lý, đảm bảo mặt bằng giáo dục chung cho các đơn vị, nhưng lại siết chặt việc luân chuyển giáo viên, tạo thêm áp lực không đáng có cho các thầy cô giáo?

Mục tiêu giảm cường độ lao động cho giáo viên

Theo đánh giá chung của các nhà quản lý, một trong những lý do khiến công tác tuyển dụng giáo viên mầm non hiện nay dù được đẩy mạnh nhưng vẫn thiếu, sức hút thi tuyển vào các ngành sư phạm mầm non ngày càng giảm là do áp lực và đòi hỏi quá cao của công việc này. 

Thực tế một ngày làm việc của giáo viên mầm non hiện nay kéo dài từ 6 giờ 30 đến hơn 17 giờ 30, buổi trưa không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động do đòi hỏi đặc thù của công việc phải thường xuyên sâu sát, phát hiện kịp thời những rủi ro trong yêu cầu đảm bảo sức khỏe học sinh.

Cách đây chưa lâu, Sở GD-ĐT đã trình UBND TP phương án tổ chức giáo viên làm việc theo ca đối với các nhóm lớp trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi để giảm tải áp lực, đảm bảo chất lượng và hiệu quả chăm sóc. Song, phương án này ngay lập tức đã vấp phải lo ngại không tuyển đủ giáo viên vì nếu chia ca, số lượng đòi hỏi tuyển dụng sẽ nhiều hơn trong khi thực tế hiện nay cung vẫn chưa đáp ứng cầu.

Thêm vào đó, Nghị quyết 01/2014 của HĐND TPHCM về hỗ trợ giáo dục mầm non cho phép các trường tuyển thêm chức danh nhân viên nuôi dưỡng (để giảm khối lượng công việc cho giáo viên mầm non) dù đã có hiệu lực thực hiện nhưng 3 năm qua vẫn chưa làm được do vướng quy định về biên chế. 

Để giải quyết khó khăn đó, một số trường mầm non hiện nay đã linh hoạt tự ký hợp đồng thêm nhân viên nuôi dưỡng, bố trí giờ làm của giáo viên luân phiên theo hình thức giáo viên nào đến sớm sẽ được về sớm hơn và ngược lại. Song về lâu dài, các trường vẫn cần thêm nhiều chính sách, quy định của UBND TP để giảm tải cường độ lao động cho giáo viên ở bậc học này. Bên cạnh đó, các chính sách về trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ thu nhập giáo viên trong 3 năm đầu công tác cần được tiếp tục trong thời gian dài để tạo thêm sức thu hút, khuyến khích nhiều ứng viên tham gia ứng tuyển vào bậc mầm non.

“Trước đây ở quận Bình Thạnh, giáo viên xin chuyển công tác giữa các trường trong cùng địa bàn quận chỉ cần làm đơn xin chuyển công tác, chúng tôi sẽ xem xét chấp thuận cho ứng viên. Nhưng từ năm học 2016-2017, các thầy cô muốn chuyển công tác không còn mạnh dạn nộp hồ sơ vì phải thi tuyển viên chức lại từ đầu như người mới”, ông Nguyễn Hữu Nhơn cho biết.

MINH QUÂN (SGGP)

 

Bình luận (0)