Trong trường học, tổ trưởng chuyên môn là thành phần không thể thiếu trong hệ thống quản lý nhà trường. Thế nhưng, thực tế hiện nay, chức danh này ít giáo viên nào muốn đảm nhiệm bởi như nhiều người đang làm nói đó là công việc cực nhọc và phải chịu “trên búa, dưới đe”…
Để tổ chuyên môn hoạt động tốt, người tổ trưởng phải có năng lực chuyên môn, biết phân công đúng người, đúng việc (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Tổ trưởng chuyên môn (TTCM) trên thực tế không chỉ làm công việc quản lý chuyên môn của tổ mình như chức năng, nhiệm vụ mà điều lệ trường phổ thông quy định. Hiện nay, TTCM gần như là người có nhiệm vụ phổ biến, phân công, chỉ đạo thực hiện, hỗ trợ tất cả mọi hoạt động từ chuyên môn đến các phong trào trong nhà trường. Chính vì thế, công việc của TTCM còn nhiều hơn hiệu phó chuyên môn của trường. Công việc trường càng nhiều thì TTCM càng mệt mỏi vì không như hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng cũng là giáo viên đứng lớp, phải hoàn thành công việc của người giáo viên thật tốt, rồi còn phải hoàn thành các công việc mà nhà trường đưa xuống tổ. Với những tổ chuyên môn mà các thành viên trong tổ đoàn kết, thông cảm cho người tổ trưởng thì điều đó thật sự là may mắn cho tổ trưởng. Nếu không, hầu hết mọi việc đưa xuống tổ thì TTCM phải đi đầu để làm rồi sau đó mới đến tổ viên. Thi giáo viên giỏi cũng tổ trưởng. Thi chủ nhiệm giỏi: Tổ trưởng. Thi tìm hiểu về pháp luật: Tổ trưởng. Chuyên đề: Tổ trưởng. Thao giảng: Tổ trưởng… Học sinh của lớp TTCM làm chủ nhiệm cũng phải tham gia tích cực các hoạt động và tổ trưởng cũng phải bỏ nhiều thời gian công sức cho lớp mình.
Tổ trưởng luôn chấp hành tốt mọi chỉ thị của ban giám hiệu thì tổ viên trách cứ, còn tổ trưởng không thực hiện tốt các hoạt động nhà trường đề ra thì bị ban giám hiệu phê bình. Để trên không chê, dưới không trách, đó không phải là việc dễ dàng đối với người TTCM. |
Để tổ chuyên môn hoạt động tốt, người tổ trưởng phải tìm hiểu tính cách, năng lực của từng thành viên trong tổ để phân công công việc đúng người, đúng việc. Một sự phân công chưa thích hợp lắm sẽ làm mất lòng giáo viên trong tổ, đôi khi tổ trưởng còn mang tiếng là “đì” tổ viên. Tổ chuyên môn mà có giáo viên ở nhiều độ tuổi thì tổ trưởng càng gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Tổ viên ở tuổi sắp về hưu và tổ viên là giáo viên mới dạy vài năm thì có suy nghĩ, hành vi… khác nhau nhiều. Lúc này TTCM phải như nhà tâm lý học mới có thể quản lý được nếu không mâu thuẫn trong tổ sẽ thường xuyên xảy ra.
TTCM tay nghề vững, quản lý giỏi thì bất đồng với ban giám hiệu là việc cũng thường xảy ra. Hiệu phó chuyên môn dù giỏi cũng không thể nào nắm rõ bằng người TTCM giỏi đang trực tiếp dạy khối lớp hay bộ môn của tổ mình. Đã từng có TTCM tranh luận “nảy lửa” với hiệu phó về một tiết dạy của tổ viên khi hiệu phó đánh giá là tiết dạy khá, còn tổ trưởng đánh giá là tiết tốt. Hay có TTCM mạnh dạn phản bác những quy định, chỉ tiêu thi đua vô lý mà hiệu trưởng đặt ra cho giáo viên. Những TTCM ấy như là “cái gai” trong mắt ban giám hiệu. Chính vì lẽ đó, ở một số trường hiện nay, TTCM được ban giám hiệu chọn lựa là những giáo viên “dễ bảo, vâng lời” chứ không phải là giáo viên có thực tài. Sự chọn lựa tổ trưởng như thế đã dẫn đến sự mất đoàn kết trong tổ, vì tổ viên không nể phục tổ trưởng, xem họ là “tay sai” của ban giám hiệu nên không nhiệt tình trong công việc mà tổ trưởng phân công, luôn chờ có dịp để phản đối. Tổ chuyên môn không mạnh dẫn đến các hoạt động khác trong nhà trường chỉ được thực hiện có hình thức chứ không có chiều sâu.
Để có một TTCM vững vàng, giỏi giang đòi hỏi ở ban giám hiệu phải có tầm và có tâm, chọn lựa người xứng đáng chứ không phải chọn người để thêm “vây cánh” cho hiệu trưởng. Đồng thời các thành viên trong tổ hãy đặt mình ở vị trí tổ trưởng để thông cảm mà hỗ trợ nhiệt tình trong công tác. TTCM là ai? Điều này không hoàn toàn tùy thuộc ở bản thân họ.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)